Thực tế trong thời gian qua ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển rừng bền vững thông qua các chương trình dự án cụ thể.
Việt Nam được thiên nhiên ban tặng và ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trồng các cây gia vị nhiệt đới như: tiêu đen, quế hồi, nghệ, gừng, hành, ớt... trong đó có hai cây gia vị lớn là tiêu đen và cây quế, hồi.
Phát biểu tại hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững” diễn ra ngày 24/9/2024, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cho biết thời gian qua Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động, dự án có ý nghĩa thông qua phát triển rừng bền vững, khai thác có hiệu quả cây gia vị Việt Nam.
Với vai trò là đầu mối trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu gia vị quốc gia từ nông dân, cơ quan quản lý địa phương cho tới nhà xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp hội đang định hướng bà con canh tác bền vững, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển kinh tế, vừa phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn thị trường.
Trên thực tế, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đã thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân phát triển giá trị thương mại bền vững cây hồ tiêu. Trong hai năm 2021-2023, đặc biệt là sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ nâng cao năng lực ngành hồ tiêu của thị trường EU.
“Với sự hỗ trợ này, chúng tôi đã thành lập được nhiều hợp tác xã, truyền thông cho bà con hiểu được các thông số để phát triển bền vững, từ đó cam kết song hành với doanh nghiệp xây dựng mẫu rừng trồng đủ lớn để có thể “mặc cả” với thị trường và khách hàng thế giới”, bà Hoàng Thị Liên nói.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ KÉP TỪ RỪNG
Kết thúc dự án, đã có hơn 10 doanh nghiệp được lựa chọn làm nòng cốt làm việc với địa phương để xây dựng mô hình canh tác bền vững. Đây là mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 100% chi phí sản xuất để bà con yên tâm canh tác bền vững.
Ngoài việc phát triển cây hồ tiêu ở phía Nam, Hiệp hội mong muốn triển khai mô hình rừng trồng quế ở phía Bắc. Hiện nay, về mặt chất lượng, giá trị sản phẩm thương hiệu, sản phẩm quế Việt Nam đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Ngoài việc gắn trồng rừng quế, hồi với bài toán sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, còn có mục tiêu khác là khuyến khích đa dạng sinh học để có thêm các cây trồng khác trong vùng trồng quế.
Mặc dù đã xây dựng được vị trí, tên tuổi trên thị trường gia vị thế giới, song ngành quế Việt Nam cũng đang phải đối diện với thách thức. Do đó, Hiệp hội quan tâm hơn về chính sách tổng thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đưa về với địa phương.
Về kỹ thuật, Chủ tịch Hoàng Thị Liên cho biết Hiệp hội cần Bộ Tài Nguyên và Môi trường hỗ trợ đánh giá xử lý đất ở những vùng trồng vật liệu đang bị nhiễm kim loại.
Để khuyến khích bà con yên tâm với trồng cây quế, nhân rộng diện tích rừng trồng cần có quy hoạch tốt, thống nhất về quản lý. Đặc thù của cây quế là trồng và khai thác và quay vòng. Theo một số tổ chức, sau 18 năm trồng và thu hoạch thì cây quế phải bị chặt bỏ, khi đó carbon rừng quế sẽ bị đưa về 0. Như vậy, cần phải có mảnh đất trồng ở cạnh để gối đầu, duy trì tín tín chỉ carbon liên hoàn, không bị gián đoạn.
Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tế cho thấy tại Yên Bái, Lào Cai sau cơn bão Yagi vừa qua, cây lâm nghiệp gần như bị ảnh hưởng ít nhất. Rừng quế đang đóng góp lớn cho chống sạt lở đất, tăng hấp thụ carbon, giảm phát thải.
BẢO TỒN GIÁ TRỊ RỪNG NGẬP MẶN, GIỮ GÌN MÔI TRƯỜNG BIỂN
Bảo tồn, phát triển rừng bền vững cũng đang thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp. Với Panasonic Việt Nam, trồng rừng trước kia chỉ được coi như một trách nhiệm xã hội, nay được nhìn nhận là cơ hội, kế hoạch kinh doanh thu được nhiều lợi ích. Động thái này được đánh giá là thay đổi về mặt chiến lược của doanh nghiệp.
Đại diện của Panasonic Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Huyền, cho biết thời gian qua Công ty đã triển khai dự án “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” với mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trên toàn quốc từ 2021-2024, tập trung tại 25 tỉnh thành phố.
Với tâm thế luôn chủ động tìm kiếm các vấn đề liên quan đến môi trường và giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Tập đoàn đặt mục tiêu chung tay cùng xã hội giảm phát thải khí CO2 vào năm 2050 ở mức hơn 300 triệu tấn, tương đương khoảng 1% tổng lượng phát thải toàn cầu hiện tại.
Là người có nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng Biển Đông là một hệ sinh thái biển lớn, trong đó cấp độ hệ sinh thái nhỏ hơn là rừng ngập mặn, có giá trị rất quan trọng trong việc hấp thụ carbon, giữ gìn môi trường biển.
Ngoài ra, đối với đại dương, rạn san hô chính là rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển, là nền tảng, cơ sở tài nguyên để duy trì rất nhiều ngành kinh tế. Giữa rạn san hô rừng ngập mặn và thảm cỏ biển nằm ở vùng ven bờ gần như là một dây xích sinh thái. “Người ta có thể phá rừng ngập mặn ở vùng ven biển, cửa sông nhưng không nghĩ rằng nó sẽ làm mất đi bao nhiêu cá nằm dưới sâu 50-100m do mối liên hết sinh thái”, PGS.TS. Hồi phân tích.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, rừng trên cạn và rừng dưới biển đều là lá phổi xanh để lưu giữ nhiều CO2. Tính toán hiện nay cho thấy nếu không tác động gì, đại dương thế giới có thể lưu và giữ được hơn 30% lượng carbon thừa của bầu khí quyển.
Khẳng định đại dương sẽ là công cụ vĩ mô tầm toàn cầu để giảm thiểu các tác động về biến đổi khí hậu, chuyên gia này lý giải, ngoài các cánh rừng ngập mặn rất gần gũi giống với rừng đất liền thì những hệ sinh thái khác ở biển cũng rất quan trọng, thu giữ được nhiều carbon.
Với bài toán phát triển và khai thác tài nguyên rừng dưới biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: đại dương và biển hết sức quan trọng. Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu phấn đấu đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia được bảo tồn.
Để mở rộng diện tích xanh (Blue-Zone) có nhiều biện pháp, trong đó thời gian tới cần bảo vệ theo cách tiếp cận những khu bảo tồn biển mang tính liên kết và chia sẻ để không có những khu bảo tồn nhỏ lẻ như hiện nay. Việc liên kết chia sẻ không gian biển có khả năng bảo tồn sẽ tăng diện tích bảo tồn.
Ngoài ra, bảo tồn không chỉ là bảo tồn các khu truyền thống mà cần phải mở rộng ra cả những khu bãi rỗng, bãi đẻ của thủy sản, những khu vực đất ngập nước ven biển có tiềm năng cũng phải được bảo vệ.
Không những thế, những vùng biển đặc biệt quan trọng về sinh học theo Công ước đa dạng sinh học cũng phải bảo tồn bởi giữ được nó là giữ được CO2; hoặc những khu vực đặc biệt nhạy cảm về môi trường theo Công ước MARPOL về hàng hải.
Đưa ra khái niệm kinh tế bảo tồn, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh sự phối hợp phát huy giá trị bảo tồn để phát triển kinh tế. Hiện nay, tại Nha Trang đã có dịch vụ đánh cá giải trí, cùng với đó là tăng cường nuôi trồng dược liệu biển, nhân rộng diện tích rong biển, cỏ biển để thu giữ, tăng quỹ CO2 và phát huy sinh kế.
Theo chuyên gia này, chúng ta sẽ không thể bảo tồn được các khu rừng dưới biển, mở rộng vùng xanh nếu người dân không tham gia, không gắn bảo tồn với lợi ích và sinh kế của họ.
Mặt khác, cần phải thể chế hóa bằng luật pháp quy định rõ về nghĩa vụ trách nhiệm của người sử dụng biển là các doanh nghiệp phải đóng góp để bảo tồn.
Bằng cách thay đổi nhận thức, tầm nhìn, cách tiếp cận, quyết tâm hiện thực hóa các quy định của pháp luật quốc gia, quốc tế, việc mở rộng vùng xanh để gia tăng diện tích biển Việt Nam được bảo tồn sẽ khả thi. Không những thế, mở rộng vùng xanh còn là cách tiếp cận hòa bình để bảo vệ, bảo tồn biển quốc gia...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam