Thông tin trên được Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) vừa cho biết trong một báo cáo gần nhất. Cũng theo đơn vị này, tính đến ngày 24/03/2024, toàn quốc có 14.727/15.981 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, ước đạt 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Cục Thuế doanh nghiệp lớn cho biết căn cứ Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đối với quy định về hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các địa phương có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành sát sao, quyết liệt thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Dù vậy, đến nay vẫn còn 1.254 cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng, chiếm 7,8%.
"Thống kê đến hết ngày 24/3/2024, đã có 41/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%. Trong đó, 14 địa phương hoàn thành gồm Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh".
Báo cáo của Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế.
Theo Cục Thuế doanh nghiệp lớn, tính đến ngày 24/3 vẫn còn 5/63 cục thuế có tiến độ triển khai dưới 70%, đó là: Bắc Kạn, Kon Tum, Kiên Giang, Lâm Đồng và Cao Bằng.
Mặc dù đã có quy định nhưng đến nay các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn áp dụng phương pháp quản lý bán hàng và xuất hóa đơn theo các quy định cũ.
Lý do các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ triển khai là: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiết bị cột bơm cũ, không đáp ứng kết nối phần mềm hóa đơn điện tử.
Nhiều doanh nghiệp cũng than phiền chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cơ sở dữ liệu khá lớn và một số phát sinh chi phí đối với doanh nghiệp khi áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng khi tăng nhân sự, lỗi hệ thống, số lượng hóa đơn điện tử tăng lên gấp nhiều lần so với trước.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xăng dầu không muốn áp dụng quy định mới của pháp luật, ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý bán hàng trong khi trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.
Cá biệt, không loại trừ có doanh nghiệp xăng dầu sử dụng nguồn xăng dầu nhập lậu, bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc cho bán hóa đơn điện tử không hợp pháp. Vì vậy, các doanh nghiệp này trì hoãn không muốn thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm, quyết liệt, triệt để các chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 837/TCT-DNL và kết luận tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 08/3/2024 về công tác chỉ đạo triển khai quy định về hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Đáng chú ý, căn cứ thực tế tại địa phương, cục thuế chủ động tham mưu uỷ ban nhân dân chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Như vậy, hiện cả nước còn hơn 1.200 cây xăng đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động và bị thu hồi giấy phép nếu không thực hiện quy định.
Những nỗ lực trên nhằm phấn đấu đến ngày 31/03/2024 hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại mỗi địa phương.