Theo chương trình nghị đã được công bố, cựu Tổng thống Donald Trump – người nhiều khả năng sẽ là ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay – sẽ áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và 60% với riêng hàng Trung Quốc.
Ông Trump cũng có kế hoạch áp dụng vĩnh viễn chương trình giảm thuế thu nhập cá nhân nằm trong Đạo luật Giảm thuế và Việc làm (TCJA) mà ông ban hành trong nhiệm kỳ của mình. Dự kiến hết hạn vào năm 2025, chương trình này chủ yếu làm lợi cho các hộ gia đình giàu có, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu bất động sản. Ông Trump dự định dùng tiền thu về từ việc tăng thuế nhập khẩu để gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập.
MỖI HỘ GIA ĐÌNH TỐN THÊM 1.700 USD/NĂM
Theo các nhà kinh tế tại Viện Peterson, các chính sách kinh tế nói trên của ông Trump có thể người tiêu dùng Mỹ phải chi trả thêm 500 tỷ USD mỗi năm.
Trong nghiên cứu công bố ngày 20/5, hai nhà kinh tế Kim Clausing và Mary Lovely của Viện Peterson nhận định cả chính sách tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế thu nhập của ông Trump đều “là những thay đổi nghiêm trọng, chuyển gánh nặng thế từ giới giàu sang những người có thu nhập thấp hơn trong xã hội”.
Theo tính toán của hai nhà kinh tế, xét cả các loại thuế hiện tại và kế hoạch thuế của ông Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại khoảng 1,8% GDP. Đó là chưa kể những thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu khi các đối tác thương mại của Mỹ áp thuế trả đũa cũng như các hậu quả như giảm sức cạnh tranh.
“Tính toán này cho thấy thiệt hại với nền kinh tế do kế hoạch thuế của ông Trump sẽ lớn gấp gần 5 lần so với cú sốc thuế quan mà chính quyền của ông đưa ra tính đến cuối năm 2019. Chỉ riêng việc này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu gánh nặng thêm khoảng 500 tỷ USD mỗi năm”, nghiên cứu chỉ ra.
Theo đó, một hộ gia đình có thu nhập trung bình tại Mỹ bình quân phải tốn thêm 1.700 USD/năm. Thu nhập khả dụng của nhóm 50% hộ gia đình nghèo nhất – những người thường phải chi tiêu phần lớn thu nhập – bình quân sẽ giảm 3,5%.
Thuế nhập khẩu – đặc biệt là với hàng Trung Quốc – là một trong những dấu ấn kinh tế lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các chính sách này vẫn được giữ nguyên dưới dưới chính quyền kế nhiệm của ông Joe Biden. Dự kiến, ông Trump và ông Biden sẽ tái đấu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Tuần trước, ông Biden công bố kế hoạch tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trong đó riêng thuế xe điện tăng gấp 4 lần lên 100%. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá kế hoạch này sẽ không tác động quá lớn tới nền kinh tế cũng như người tiêu dùng Mỹ.
“Động thái của chính quyền Biden sẽ không có tác động tiêu cực tới người thu nhập thấp ở Mỹ bởi chỉ áp dụng với một phần nhỏ hàng nhập khẩu. Sẽ không có gánh nặng lớn do việc tăng thuế nhập khẩu, ít nhất là chưa”, bà Lovely nói với tờ báo Financial Times. “Ông Biden trước đây cũng khẳng định ông không ủng hộ việc áp đặt thuế quan trên diện rộng”.
LỢI BẤT CẬP HẠI?
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng xu hướng thúc đẩy chính sách thuế của cả hai ứng viên tổng thống là một vấn đề đáng ngại bởi “thuế là một công cụ dễ bị lạm dụng”.
“Nên sử dụng chính sách thuế để đạt được một mục tiêu nào đó, như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Mỹ nhưng đồng thời cũng gây ít thiệt hại nhất có thể với người dân”, bà Lovely khuyến nghị. “Để đạt được mục tiêu này thì chính sách đó phải ít gây gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu nhất có thể”.
Các nhà kinh tế đang lo ngại việc ông Trump có thể gia hạn tất cả các điều khoản trong TCJA. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính ngân sách quốc gia sẽ thiệt hại gần 5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới nếu tất cả các điều khoản trong đạo luật này được gia hạn, tính cả chi phí trả lãi tăng lên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Arthur Laffer, một trong những cố vấn kinh tế của ông Trump, nói rằng chính sách giảm thuế thu nhập được chính quyền Trump đưa ra năm 2017 đã tự bù đắp nhờ tăng trưởng kinh tế. Các cố vấn của ông Trump cũng lập luận rằng chính sách tăng thuế nhập khẩu do ông mới đề xuất có thể lấp đầy khoảng trống ngân sách do việc gia hạn giảm thuế thu nhập.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Peterson, tiền thuế thu thêm được từ việc tăng thuế nhập khẩu theo kế hoạch của ông Trump cùng lắm chỉ mang về 2,75 nghìn tỷ USD.
“Bỏ qua tác động tới tăng trưởng, hậu quả của việc này trong dài hạn, như cần phải trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi hành động trả đũa của đối tác thương mại, tiền thuế nhập khẩu thu được ít hơn rất nhiều so với những thiệt hại của việc gia hạn tất cả các điều khoản trong đạo luật thuế của ông Trump”, nghiên cứu của Viện Peterson nhận định.