Nguồn nhân lực, từ lâu được xác định là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của mọi tổ chức, doanh nghiệp hay lớn hơn là cả quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, nguồn nhân lực được xem là yếu tố tiên quyết quyết định nhất cho mọi quốc gia.
THÁCH THỨC MỚI CHO VIỆT NAM
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra, đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành mới, công việc mới có tác động đến cung cầu lao động cũng như sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động tại Việt Nam.
Thách thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh nay, chính là nguồn lao động trẻ và chi phí lao động thấp đã không còn là lợi thế, nếu lực lượng này không đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn.
Dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, trong 5 năm tới sẽ có một phần ba công việc thay đổi theo yêu cầu thực tiễn, trong đó 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên. Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, nguồn nhân lực của cả nước nói chung, được tăng cường về quy mô, từ 50,4 triệu người (năm 2010) lên 56,2 triệu người (năm 2020). Về chất lượng nguồn nhân lực, cũng theo Bộ này, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020); trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế bao gồm y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng…
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành là: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), là động lực phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật cho cả nước, là vùng trung tâm kinh tế của cả nước với trọng tâm là TP.HCM và các địa phương phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuộc hàng cao nhất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực này hiện vẫn là bài toán nan giải với bài toán “lệch pha” cung cầu: cung ít – cầu nhiều, cầu ít – cung nhiều, thừa mà thiếu, thiếu mà thừa. Vấn đề nan giải ở đây chính là chất lượng nguồn nhân lực đối với yêu cầu thực tiễn.
Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), trên thực tế, đôi khi giữa nhu cầu của người học không trùng khớp với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu cần thiết cho sự phát triển nên dẫn đến việc các ngành nghề có nhu cầu cao nhưng không có người học, đây cũng là lý do thiếu nguồn lực. Mặt khác, đối với những ngành nghề đòi hỏi chất xám, chuyên môn sâu thì rất ít người đủ năng lực vượt qua “vòng loại”.
Ông Vân nêu vấn đề: Khi tuyển dụng những lao động đã được các trường đại học đào tạo, doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay hay cần phải mất thêm thời gian bao lâu để đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc? Thiếu và yếu nhất ở họ là gì? Tuỳ vào lĩnh vực ngành nghề, đối với ngành nghề có thiết bị và công nghệ hiện đại thì cần khoảng thời gian nhất định để đào tạo bổ sung, chuyển giao công nghệ?
DOANH NGHIỆP CẦN ĐỒNG HÀNH
Kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây cho thấy, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào quý II khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất, lúc đó nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin: Hiện nay, chỉ 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 có khoảng 30 - 35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ; đến năm 2030 đạt 40 - 45%. “Đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn và đưa ra giải pháp là đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng công nghệ mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Dung nói.
Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, điều khiến chúng ta quan tâm hiện nay, đó là chất lượng lao động. Theo thống kê, lực lượng lao động qua đào tạo hiện chỉ mới khoảng 66%, trong đó chỉ có 26% là có văn bằng chứng chỉ. Trong tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ đại học chung của cả nước là 11% thì Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ 16%. Đây là vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nên dù cao hơn trung bình cả nước, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu. Thêm nữa, tác phong làm việc, kỹ năng và ý thức nghề nghiệp cũng là điều cần nói đến bởi đây cũng là những thành tố làm nên một lao động chất lượng cao.
Để xây dựng được nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và các tổ chức, ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến cáo, phải nâng cao hơn nữa tỷ lệ lao động qua đào tạo, phải nâng cao ý thức, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên mới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Muốn vậy, sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đoàn thể mà quan trọng nhất là giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Doanh nghiệp phải đông hành với cơ sở đào tạo và lấy người lao động làm trọng tâm”, ông nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia về thị trường lao động cũng đưa ra các nhận xét, đánh gia tương tự khi cho rằng, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao..
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc kinh doanh khu vực Miền Nam Công ty VietnamWorks, thuộc Navigos Group (nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam), nhận định: Nhân lực chất lượng cao có xu hướng tập trung vào một số khu vực trung tâm, do đó những khu công nghiệp, đặc biệt là những khu công nghiệp mới sẽ bị thiếu hụt trầm trọng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. “Nguyên nhân thiếu hụt lao động phổ thông chất lượng cao là do sự phân bổ đào tạo theo ngành còn đang mất cân bằng, có những ngành thừa và những ngành còn thiếu hụt”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Vân Anh, một số nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo, quen với môi trường và phong cách làm việc của các công ty đa quốc gia, quen với việc chuyên môn hóa, đến khi qua công ty địa phương phải tự thực hiện một mình thì sẽ khó thực hiện được và khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nên các nhân sự chất lượng cao đã được đào tạo từ các công ty đa quốc gia có tâm lý e ngại dịch chuyển qua các công ty địa phương, làm thiếu hụt nguồn này ở các công ty địa phương.
Đối với doanh nghiệp, vị chuyên gia này nêu khuyến nghị: Các doanh nghiệp nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì các ứng viên đã có sẵn kinh nghiệm và kỹ năng đối với yêu cầu mới. Tiềm năng thể hiện ở khả năng học hỏi, không ngại khó, nhận thức tốt và thích nghi nhanh.