March 19, 2022 | 10:00 GMT+7

Nhẫn kim cương nhân tạo giá 12.000 USD đang được đấu giá có gì lạ?

Minh Nguyệt -

Chiếc nhẫn dành cho việc đính hôn này hiện đang được rao bán trên website đấu giá trực tuyến eBay, với viên kim cương 2 carat và mất thời gian 5 tháng để hoàn thành...

Vàng và kim cương là hai loại trang sức quý giá nhất của nhân con người. Bởi vậy từ xa xưa, loài người đã khổ công tìm cách tạo ra chúng. Và kết quả là các nhà giả kim thuật từ cổ chí kim đã thất bại trong việc tạo ra vàng. Nhưng với kim cương, con người đã thành công. Thậm chí ngày nay, con người ta còn có thể tạo ra kim cương từ những vật liệu không ai ngờ tới.

Mới đây, Công ty gia vị thực phẩm Hidden Valley có trụ sở tại Chicago đã tạo ra chiếc nhẫn kim cương này hoàn toàn từ một sản phẩm gia vị nổi tiếng của hãng - nước sốt salad Ranch. Ông Deb Crandall, Giám đốc Tiếp thị của Hidden Valley, cho biết: “Khi một trong những sản phẩm của chúng tôi được sử dụng trong màn cầu hôn vào năm ngoái, chúng tôi đã được truyền cảm hứng để tạo ra một kỷ vật đáng nhớ hơn nữa”.

Công ty này sau đó đã tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà địa chất Dean VandenBiesen. Để tạo ra viên kim cương, VandenBiesen đã đun nóng gia vị ở mức 2.500 độ F. “Trong quá trình đó, gia vị được biến đổi thành than chì. Khi vào bên trong máy ép, than chì bị nghiền dưới áp suất 400 tấn trong 2 tháng, cuối cùng tạo ra viên kim cương về mặt lý thuyết,” nhà địa chất giải thích.

Viên kim cương thô sau đó đã được đánh bóng để hoàn thiện trước khi được đặt vào chiếc nhẫn có khắc chữ hàng chữ cái HVR LVR ở bên trong - viết tắt của “Hidden Valley Ranch Lover”. “Một viên kim cương trong tự nhiên mất hàng triệu năm để hình thành. Trong trường hợp này, chúng tôi đã tạo ra viên kim cương Hidden Valley Ranch chỉ với 5  tháng,” nhà địa chất VandenBiesen cho biết.

Ai mà ngờ được từ loại nước sốt trộn salad này, chúng ta lại có được một viên kim cương nhân tạo 2 carat.
Ai mà ngờ được từ loại nước sốt trộn salad này, chúng ta lại có được một viên kim cương nhân tạo 2 carat.

Công ty hiện đã đưa viên kim cương lên bán đấu giá trên sàn eBay. Điều này đã làm dấy lên một cuộc chiến đấu giá gay gắt giữa những người yêu thích kim cương. Hơn 70 giá thầu đã phát ra kể từ khi nó được đăng để bán. Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá đã tăng trên 12.000 USD.

Việc đấu thầu sẽ kết thúc vào ngày 17/3, đúng lúc để người chiến thắng có thể cầu hôn với người họ yêu vào Ngày cầu hôn quốc gia (20/3). Phía công ty Hidden Valley cho biết số tiền thu được từ chiếc nhẫn sẽ được chuyển đến tổ chức cứu trợ phi lợi nhuận Feeding America.

Hương liệu của Hidden Valley không phải là gia vị đầu tiên tạo thành kim cương. Dưới áp suất và nhiệt độ khắc nghiệt, nhiều vật phẩm chứa cacbon có thể được chuyển hóa thành ngọc. Hồi năm 2014, một nhóm nghiên cứu của Đức đã biến bơ đậu phộng thành một viên kim cương bằng cách sử dụng nhiệt và áp suất trong một phòng thí nghiệm.

Năm 2008, một nhóm các nhà khoa học Mexico cũng đã tìm cách biến tequila thành kim cương khi tạo tequila thành hơi. Hơi nước được làm nóng trên 1.400 độ F trước khi được lắng vào khay thép không gỉ. Sau đó, chúng cứng lại thành các màng kim cương chịu nhiệt.

Cũng bắt nguồn từ nguyên vật liệu kỳ lạ, những viên kim cương màu vàng, loại quý hiếm, đã được công ty Mỹ có tên là Gemesis Crop, bang Florida sản xuất, và giờ đây đã cho bày bán ở một vài cửa hàng nữ trang hiếm hoi nổi tiếng trên toàn quốc, trong đó có Sandy Alison Diamonds and Fine Jewelry. Gemesis sử dụng hệ thống máy móc với nhiệt độ cao đến 1.500oC, áp suất rất cao để biến một mẩu than chì thật tốt thành viên kim cương màu vàng trong 80 tiếng đồng hồ.

Một công ty nữa có tên gọi là Apollo Diamond Inc, tại thành phố Boston miền đông bắc Mỹ cũng đã có thể sản xuất được những viên kim cương trắng, trong suốt gần như không có một tì vết. Đây là những viên kim cương thật do 2 công ty Apollo và Gemesis sử dụng các phương pháp kỹ thuật cao để tạo nên. Chúng giống hệt như kim cương thiên nhiên cả về cấu trúc hoá học, quang học lẫn hình thể. Công ty Apollo sử dụng một khoang kín trong đó có carbon đã bốc hơi để hơi carbon từ từ gắn chặt vào từng nguyên tử của một mảnh thật và dần dần tạo thành một viên kim cương trắng ở mức độ gần như toàn bích, không tỳ vết.

Nhẫn kim cương nhân tạo giá 12.000 USD đang được đấu giá có gì lạ? - Ảnh 1
Nhẫn kim cương nhân tạo giá 12.000 USD đang được đấu giá có gì lạ? - Ảnh 2
 
Nhẫn kim cương nhân tạo giá 12.000 USD đang được đấu giá có gì lạ? - Ảnh 3
Nhẫn kim cương nhân tạo giá 12.000 USD đang được đấu giá có gì lạ? - Ảnh 4
 

Thậm chí giờ đây, các nhà khoa học đã có thể tạo ra kim cương trong chỉ vài phút ở ngay trong nhiệt độ phòng. Một nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ đại học quốc gia Úc (ANU) và đại học RMIT đã sử dụng một chiếc "đe kim cương" - thiết bị nén áp suất cao để ép những tinh thể carbon thành kim cương thông thường lẫn kim cương lục giác Lonsdaleite ngay ở nhiệt độ bình thường. Nhóm nghiên cứu cho biết áp suất tạo ra đến 100 GPa, tương đương với 640 con voi châu Phi đứng trên mũi giày ba lê.

Trước đây, nhóm nghiên cứu này cũng đã từng tạo ra kim cương trong phòng thí nghiệm nhưng bằng nhiệt độ cao. Lần này, họ sử dụng áp lực ở nhiệt độ phòng, nhà vật lý Jodie Bradby nói: "Chúng tôi đã cho carbon trải qua một trạng thái gọi là "lực cắt" - giống như lực xoắn hay lực trượt. Chúng tôi nghĩ rằng điều này cho phép các nguyên tử carbon có thể di chuyển vào đúng vị trí từ đó tạo thành kim cương Lonsdaleite lẫn kim cương thông thường… Chúng tôi chỉ đơn giản là ép vật liệu lại với nhau ở áp suất cực lớn. Tất cả quá trình này diễn ra chỉ trong vài phút."

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Dougal McCullock cùng nhóm nghiên cứu tại RMIT đã dùng kính hiển vi điện tử để chụp cắt lớp mẫu kim cương nhân tạo này và cho biết: "Những hình ảnh chúng tôi chụp được cho thấy kim cương thông thường chỉ hình thành ở giữa các mạch của kim cương Lonsdaleite với phương pháp chế tạo bằng áp suất cao này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thấy những "dòng sông" của kim cương Lonsdaleite và kim cương thông thường. Từ đây chúng tôi sẽ có thể hiểu rõ hơn về cách 2 loại kim cương được hình thành."

Kim cương Lonsdaleite thực ra đã được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ năm 1966 bằng phương pháp nén và đưa graphite lên nhiệt độ cao ở áp suất tĩnh hoặc bằng các vụ nổ. Nó cũng được sản xuát bằng phương pháp lắng đọng hơi hóa học nhưng đây là lần đầu tiên nó được tạo ra ở nhiệt độ phòng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate