December 07, 2021 | 13:22 GMT+7

Over $3bln needed for housing development in Thai Nguyen

Phan Dương -

Northern Thai Nguyen province targets becoming a modern industrial locality by 2030 and a socio-economic center and growth point that has spillover effects on the northern mountainous region. It is working to achieve an average housing area of 34.4 sq m per person by that time. Total land demand for housing development is 8,386 ha, with more than VND75.3 trillion ($3.2 billion) in capital required.

Photo: VnEconomy
Photo: VnEconomy

Đây là mục tiêu được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà UBND tỉnh đang lấy ý kiến rộng rãi.

THÀNH PHỐ SẼ HẠN CHẾ PHÂN LÔ BÁN NỀN

Riêng trong lĩnh vực nhà ở, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29,5m2 sàn/người (khu vực đô thị là 35m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 25,8m2 sàn/người); Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 6.562.256m2, tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 51.495 căn.

Trong đó, có 2.279.059m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương 15.194 căn căn; 121.900m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 1.741 căn; 976.881 m2 sàn nhà ở tái định cư, với 8.141 căn; và 3.184.416m2 sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng với 26.419 căn. Tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở là 7.426,2ha; Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 46.605 tỷ đồng, bao gồm 20.163 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp và 26.442 tỷ đồng là vốn của người dân.

 
"Đến nay, Thái Nguyên có 108 dự án nhà ở đã được chấp thuận đầu tư, với quy mô 1.610 ha, khoảng 1.978 ngàn căn nhà. Phần lớn dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đều theo hình thức phân lô, bán nền; một số dự án phát triển nhà ở thương mại theo hình thức xây dựng nhà ở riêng lẻ".
(Nguồn: dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên)

Dự kiến đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 34,4m2 sàn/người; Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 8.788.734m2, tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 69.517 căn. Tổng nhu cầu về diện tích đất để phát triển nhà ở là 8.386,5ha; Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 75.343 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp là 18.350 tỷ đồng; vốn của người dân là 56.993 tỷ đồng.

Dự thảo quy hoạch cũng phân định rõ việc phát triển bất động sản dựa theo đặc thù của từng khu vực.

Theo đó, ở khu vực phía Nam và đường vành đai 5 (thành phố Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên - Phú Bình – Đại Từ) sẽ quy hoạch tập trung phát triển vùng đô thị hóa cao, đa chức năng gắn với phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành. Đồng thời, phát triển các trung tâm thương mại - tài chính cấp vùng.

Nhà ở khu vực này sẽ phát triển theo hướng đô thị thông minh, văn minh hiện đại, có bản sắc, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở chung cư theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư trong tổng số nhà ở mới phát triển hàng năm, hạn chế việc phân lô bán nền tại các dự án; Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp theo mô hình tập trung; Phát triển các khu đô thị, dự án nhà ở bám dọc theo tuyến đường giao thông quan trọng sẽ hình thành trong giai đoạn 2021 – 2030.

Với khu vực phía Tây Bắc (Phú Lương - Định Hóa) là vùng công nghiệp (chế biến chè, khai khoáng...), dịch vụ du lịch và nông nghiệp thì được định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung; giữ mật độ xây dựng thấp, tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ. Bên cạnh đó, sẽ phát triển nhà ở thương mại, nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực An toàn khu Việt Bắc - ATK, khu di tích Đền Đuổm, hướng tới phong cách kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường…

Tại khu vực phía Đông Bắc (Võ Nhai - Đồng Hỷ) cũng hạn chế tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ; Ngoài ra, sẽ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân, người lao động làm việc tại các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản, người lao động làm việc trên địa bàn trong giai đoạn tới; Phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát triển theo mô hình nhà ở sinh thái, gắn liền với sản xuất nông, lâm nghiệp.

SẼ CÓ CHẾ TÀI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ CUNG CẤP SAI THÔNG TIN QUY HOẠCH

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra, Thái Nguyên chủ trương dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư và chủ động trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và các công trình, dự án trọng điểm khác trên địa bàn.

Tỉnh cũng sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng. Đối với một số địa phương có nhu cầu nhà ở tăng mạnh (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên… ), UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tăng diện tích đất ở tại các địa phương này để phù hợp với nhu cầu xây dựng nhà ở trong các khu, các điểm dân cư và khu đô thị đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa phương; Xác định rõ vị trí và ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do địa phương đang quản lý để thực hiện các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách; Kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi, vừa tăng được nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, vừa đầu tư xây dựng được hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại khu vực; Quy định cụ thể những khu vực đô thị được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Với giải pháp về vốn và tài chính để phát triển nhà ở, Thái Nguyên định hướng đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở, các khu đô thị; Thí điểm các cơ chế cho phép các dự án nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê được đóng tiền sử dụng đất theo từng năm để giảm áp lực tài chính cho chủ đầu tư…

Về cơ chế, tỉnh chủ trương tạo điều kiện về thủ tục cấp phép xây dựng, giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở; Bổ sung cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan, rà soát các dự án không khả thi và xử lý triệt để tình trạng không phép, trái phép; Nghiên cứu cắt giảm các thủ tục, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng, bất động sản.

Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc phát triển nhà ở, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng; kiểm tra, giám sát việc công khai thông tin quy hoạch và dự án phát triển nhà ở theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, sẽ có chế tài và xử lý kịp thời đối với chủ đầu tư dự án cung cấp sai các thông tin về quy hoạch và dự án để trục lợi; các chủ đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm dự án nhà ở theo tiến độ quy định cần xem xét thu hồi dự án, giao chủ đầu tư khác triển khai thực hiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate