“Đồng chí Lợi hỏi tôi có yên tâm với đường sắt cao tốc không, tôi yên tâm, chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Như Lợi trước Quốc hội, sáng 12/6.
Chuyên đề: Dự án đường sắt cao tốc
Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Phó thủ tướng đã dành 30 phút để trình bày 6 vấn đề mà các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đang quan tâm. Trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ…
Đường sắt cao tốc: Sẽ tiếp tục xin ý kiến Quốc hội
Trước Quốc hội, Phó thủ tướng trình bày, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc đã được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002. "Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm".
Theo Phó thủ tướng, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới.
"Tùy theo tính chất và quy mô của từng dự án thành phần, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến Quốc hội", Phó thủ tướng nói.
Trả lời một trong nhiều nội dung chất vấn của đại biểu Đặng Như Lợi: “Phó thủ tướng có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc hay không, khi mà Bộ Giao thông Vận tải cái nhỏ còn chưa làm xuể thì nói gì đến cái lớn", Phó thủ tướng quả quyết: "Tôi yên tâm".
Trước băn khoăn của một số đại biểu khi đây là con đường sắt cao tốc “dài nhất thế giới”, Phó thủ tướng giải thích, “dài nhưng làm từng đoạn, chả có mấy nước có chiều dài như nước ta đâu, các đồng chí ạ, đi lại từng đoạn thì ngắn, cộng lại thì dài”.
Dẫn lại lời đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại phiên thảo luận trước đó về đường sắt cao tốc, rằng "sợ nàng tiên ngủ trong rừng khi thức dậy sẽ hỏi anh ơi tiền đâu?", Phó thủ tướng cho rằng điều này không đáng lo.
Theo Phó thủ tướng, GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi.
Ông phân tích thêm: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050".
"Còn chuyện tiêu cực, thất thoát, tham nhũng thì phải tìm biện pháp, có phải ngày mai đã làm ngay đâu, đây là quyết tâm mang tầm chiến lược tới khi Việt Nam thành nước công nghiệp vào năm 2020", Phó thủ tướng nói.
Cho thuê đất trồng rừng: Những ai phải chịu trách nhiệm?
Trong 30 phút trình bày báo cáo, Phó thủ tướng đã dành ít phút nói rõ hơn về vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng. Theo đó, “Thủ tướng đã kết luận là tất cả các địa phương tạm dừng cấp giấy phép đầu tư trong thời gian trước mắt, nơi nào đã cấp thì tạm dừng cho thuê, giao đất”.
Đại biểu Ngô Văn Minh nhấn nút: "Tại sao khi các đồng chí hưu trí phản ánh Chính phủ mới biết, trách nhiệm thuộc về ai, và còn những ai phải chịu trách nhiệm ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?".
“Các địa phương đã làm đúng luật, khổ thế các đồng chí ạ”, Phó thủ tướng trả lời.
Theo Phó thủ tướng khi rà soát lại nếu thấy có vấn đề, sẽ có xử lý trách nhiệm. Còn việc rút giấy phép thì không đơn giản nói là rút được ngay, mà sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Có rút hay không thì theo quy định của pháp luật Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Cuối phiên thảo luận, dù chưa đến lượt nhưng được Chủ tịch Quốc hội “ưu tiên” vì đã có nhiều lần đăng ký nhưng đều hết thời gian chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề: hầu như lãnh đạo các tỉnh đều học các khóa chính trị, quốc phòng, an ninh. Vậy nhưng các quan chức chỉ vận dụng cố ý những kẽ hở của pháp luật mà không đề cập ý thức chính trị, quốc phòng, an ninh. Có xem xét xử lý cán bộ cấp phép hay không, Chính phủ có trách nhiệm thế nào?
"Ngăn chặn được việc này là nhờ sự tỉnh táo của các cụ lão thành và báo chí. Chính phủ nên có lời tri ân công khai các cụ và khích lệ báo chí", ông Quốc nói.
Phó thủ tướng đáp, "tới đây sẽ xem xét đầy đủ trên phạm vi cả nước, còn về trách nhiệm nếu sai thì phải xử lý, phải tùy theo tình hình chứ không thể nói ngay được. Còn nếu các đồng chí làm đúng mà luật pháp còn kẽ hở thì phải xem lại. Thủ tướng đã cho ý kiến và hôm qua Thủ tướng có nói, ta cứ mạnh dạn báo cáo Quốc hội". Ông không đề cập đến vấn đề tri ân, khích lệ.
Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm, trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Như Lợi trước đó về kỷ luật hành chính, Phó Thủ tướng nói: "Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp".
Bên cạnh những vấn đề được “nối” từ các phiên chất vấn các bộ trưởng như đường sắt cao tốc, cho thuê rừng, nhiều đại biểu cũng tập trung chất vấn Phó thủ tướng về tình trạng thiếu điện triền miên.
Đại biểu Lê Văn Cuông sốt ruột: dự báo điện sắp tới thế nào, quy hoạch ra sao, điều hành với EVN có quyết liệt hơn hay nuông chiều. EVN khi cần tăng giá điện thì nói là lỗ, khi cần thưởng lại nói làm ăn lãi. Dân bị sai thì phạt, điện cắt tùy tiện, làm không đúng hợp đồng thì không sao?
Phó thủ tướng bật cười, đáp ngay: "Thủ tướng đã phê bình EVN, chả nuông chiều tý nào đâu". Còn "khắc phục thiếu điện là trọng tâm của Bộ Công thương và Chính phủ đến cuối năm".
Vì có khá nhiều đại biểu chưa thật hài lòng, muốn trao đổi lại với Phó thủ tướng, nên dù đã hết thời gian, vẫn còn 6 đại biểu Quốc hội đã đăng ký mà chưa đến lượt chất vấn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate