December 28, 2021 | 06:07 GMT+7

Quy hoạch huyện Cam Lâm, Khánh Hoà phát triển theo hướng “đô thị sân bay”

Mộc Minh -

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà đang được nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển theo hướng trở thành "vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế"… 

Khu vực huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Khu vực huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân với đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Địa chính (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Khánh Hoà với các thành viên Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Cam Lâm.

Theo đó, đồ án phải có phương án, định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phù hợp, nhất là quy hoạch hiệu quả diện tích đất ở, đất đô thị, đất dịch vụ, thương mại… để cân đối với tính chất, quy mô của “đô thị sân bay”.

UBND tỉnh Khánh Hoà giao UBND huyện Cam Lâm và đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành và các dự án khác trên địa bàn để có sự sắp xếp, bố trí quỹ đất và định hướng quy hoạch phù hợp, đồng bộ với định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Ngoài ra, cần phải đánh giá những kết quả, hạn chế trong công tác quy hoạch đất Cam Lâm giai đoạn 2011 - 2020 để rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng quy hoạch giai đoạn tới phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tránh trường hợp quy hoạch đề ra nhiều mục tiêu nhưng kết quả thực hiện thấp…

Theo dự thảo quy hoạch, đơn vị tư vấn đề xuất chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cam Lâm: Đất nông nghiệp khoảng 43.128ha (giảm 3.711ha so với năm 2020); đất phi nông nghiệp hơn 10.919ha (tăng 4.665ha); đất chưa sử dụng khoảng 953ha (giảm 953ha).

Việc điều chỉnh mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm theo hướng trở thành "vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế" đã được Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa thống nhất với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm. 

Tại Thông báo số 208 (ngày 30/10/2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hoà cũng đã đồng ý chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và nghiên cứu một phần TP. Cam Ranh. 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm. Trong đó, đề xuất phát triển một phần đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh có quy mô dân số tương đương với đô thị loại 1, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo bản quy hoạch vùng huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Cam Lâm có diện tích tự nhiên 550,26 km2, diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều khoáng sản và tiềm năng du lịch.

Huyện nằm ở vị trí ven biển và nằm giữa TP. Nha Trang với TP. Cam Ranh, cận kề với cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua, gần với tuyến đường hàng hải nội địa và quốc tế, như: cảng Cam Ranh và tương lai là cảng Vân Phong.

Là một vùng bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên rất được ưu đãi cả về núi, rừng, sông, suối, hồ và đặc biệt là bờ biển dài 13 km chạy dọc bán đảo Cam Ranh, nước trong xanh với bãi cát trắng, thoải.... Đây là lợi thế rất lớn để Huyện Cam Lâm về phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch.

Đến nay, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã đi vào hoạt động.

Theo bản quy hoạch trên, huyện Cam Lâm sẽ là vùng kinh tế tổng hợp, vùng trung tâm đô thị kết nối với TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Hiện trạng đất xây dựng năm 2019 khoảng 3.018ha, trong đó, đất ở là 629ha. Trên cơ sở rà soát các quy hoạch và dự án có liên quan cũng như các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và các khu du lịch, công nghiệp đến năm 2040 là khoảng 5.000 – 6.000ha.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate