Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp quý 1/2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.
SẢN LƯỢNG LÚA VÀ TRÁI CÂY TĂNG
Về tình hình sản xuất lúa, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến trung tuần tháng 3/2024, cả nước gieo cấy được 2.926,1 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 1,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023.
Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.032 nghìn ha, giảm 12,5 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp, xây dựng đường cao tốc hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện các địa phương phía Bắc đang tiến hành chăm sóc lúa đông xuân đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng thuận lợi, đạt tỷ lệ đẻ nhánh tối ưu đồng thời tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Năm nay, các địa phương phía Nam gieo cấy lúa đông xuân được 1.894,1 nghìn ha, tăng 11,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam tăng do giá lúa đang ở mức cao ổn định nên người dân yên tâm tranh thủ xuống giống tối đa diện tích, đầu tư giống lúa chất lượng, năng suất cao.
Đến thời điểm này, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 868,8 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 58,8% diện tích gieo cấy và bằng 106,1% cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt xấp xỉ vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 65 nghìn tấn.
"Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, giá bán sản phẩm ổn định. Cụ thể một số cây công nghiệp lâu năm: Cao su đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; điều đạt 230 nghìn tấn, tăng 1,7%; chè búp đạt 173,3 nghìn tấn, tăng 0,5%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Đối với vụ lúa mùa, tính đến giữa tháng 3/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2023-2024. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 183,1 nghìn ha, tăng 5,2 nghìn ha so với vụ mùa năm trước.
Vụ mùa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, người dân sử dụng giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cùng với công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường nên năng suất đạt cao với 53,7 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha so với vụ mùa năm trước, sản lượng đạt 974,4 nghìn tấn, tăng 60,3 nghìn tấn.
Đối với cây ăn quả, do thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích những cây lâu năm kém hiệu quả như dứa, thanh long sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng của một số cây tăng khá như: Sầu riêng đạt 108,1 nghìn tấn, tăng 27,1%; cam đạt 323,3 nghìn tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 697 nghìn tấn, tăng 3,8%; xoài đạt 191 nghìn tấn, tăng 3,6%; bưởi đạt 167,3 nghìn tấn, tăng 3,1%. Riêng sản lượng thanh long đạt 324,1 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; dứa đạt 200,7 nghìn tấn, giảm 4,1%.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Trong khi đó, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán thịt lợn hơi tăng, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi giảm quy mô sản xuất ở những hộ nhỏ lẻ và phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có quy trình khép kín với giá thành sản xuất thấp hơn.
Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.
DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG GIẢM NHẸ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 3/2024 ước đạt 19,2 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Do thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng ở một số địa phương. Ngoài việc trồng rừng, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,5 triệu cây, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng 3/2024 đạt 1.479,8 nghìn m3, tăng 7% so với cùng năm trước.
Do giá gỗ nguyên liệu tăng, nên nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác như: Quảng Ngãi tăng 37,5%; Nghệ An tăng 23,8%; Tuyên Quang tăng 21,1%...
Tính chung quý 1/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 37,3 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 23,6 triệu cây, tăng 3,6%. Sản lượng gỗ khai thác trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 3.670,1 nghìn m3, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1/2024, cả nước có 252,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích rừng bị chặt, phá là 182,2 ha, tăng 1,1%; diện tích rừng bị cháy là 70,1 ha, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TĂNG TRƯỞNG KHẢ QUAN
Đối với ngành thủy sản, Tổng cục Thống kê cho hay thủy sản thu hoạch trong tháng 3/2024 ước đạt 725,4 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 539,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 73,6 nghìn tấn, tăng 3,7%; thủy sản khác đạt 112,1 nghìn tấn, tăng 2,8% so với tháng 3/2023.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả, khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ do thời tiết ngư trường thuận lợi. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 3/2024 ước đạt 400,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 290,4 nghìn tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 61,7 nghìn tấn, tăng 4,4% so với tháng 3/2023.
"Tính chung quý 1/2024, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 1.941,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 1.440,8 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 193 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác đạt 307,7 nghìn tấn, tăng 2% so với quý I của năm 2023".
Theo Tổng cục Thống kê.
Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 3/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, do giá cá tra nguyên liệu tăng và xuất khẩu sang hai thị trường chính là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đang có triển vọng. Sản lượng cá tra tháng 3/2024 ước đạt 149,1 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tôm thu hoạch trong tháng tăng so với cùng kỳ do áp dụng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đang phát triển tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 40,1 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 17,8 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 3/2024 ước đạt 325,1 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 249,3 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 11,9 nghìn tấn, tăng 0,2%; thủy sản khác đạt 63,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với tháng 3/2023. Trong đó, sSản lượng hải sản khai thác biển ước đạt 310,5 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết ngư trường thuận lợi, nguồn lợi thủy sản dồi dào, có giá trị kinh tế cao.