Diễn đàn Mekong Connect 2023 (Diễn đàn) do UBND TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chủ trì.
Năm 2023, Mekong Connect đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn mở rộng phạm vi liên kết phát triển cấp vùng TP.HCM và tất cả 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới trở thành diễn đàn đối thoại kinh tế công tư thường niên của vùng kinh tế TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Diễn đàn nhằm tạo không gian tiếp cận, thảo luận và kiến nghị các cơ hội, thách thức và giải pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế của khu vực.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết đây là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức tại TP.HCM (lần đầu năm 2021), cho thấy sự quan trọng của Thành phố trong mối liên kết, hợp tác với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh khi tình hình kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là những xu hướng về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang dẫn dắt thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hành động để thích nghi theo xu hướng này.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn Mekong Connect 2023 sẽ xoay quanh các chủ đề: Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh; Những thị trường mới nổi: tái chế và tín chỉ carbon; Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024; Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp…
Ngoài ra, còn có các tham luận: Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM trong mối liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long liên quan chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; Những thách thức trong việc triển khai quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long và kiến nghị giải pháp hỗ trợ; Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024…
Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM: Thúc đẩy xuất khẩu và kích hoạt bán hàng với công cụ mới trong tình hình mới” mới đây do VCCI chi nhánh Cần Thơ và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư, cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều trong quá trình thực hiện chuỗi sản xuất xanh, kinh doanh xanh thì sẽ có những kết quả khả quan.
Ông Lam kỳ vọng, từ chủ trương giảm thải carbon của Chính phủ đưa ra, nhất là trong ngành lúa gạo và lĩnh vực trồng trọt, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng nhanh và tốt. Nếu chương trình này được nhân rộng ra trong các lĩnh vực khác thì sẽ là hướng đi đúng đắn, có triển vọng, giúp cho nền kinh tế có những cái giá trị cao hơn.