Dự thảo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý 3/2022 và nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong lĩnh vực viễn thông, sau một thời gian chững lại do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đến nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế đang dần phục hồi, thuê bao di động bắt đầu chu kỳ tăng mới (0,6%/tháng).
Thống kê, đến nay cả nước có khoảng hơn 126 triệu thuê bao di động đang hoạt động, tăng khoảng 2,6 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thuê bao điện thoại cố định giảm liên tục trung bình khoảng 2%/tháng, chỉ còn hơn 2,6 triệu thuê bao. Đây là xu hướng giảm đều qua các năm.
THUÊ BAO SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI FEATURE PHONE ĐANG GIẢM DẦN
Trong số các thuê bao di động trên thị trường, đang có khoảng 93,7 triệu thuê bao điện thoại di động đang sử dụng smartphone, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số thuê bao điện thoại feature phone (chỉ nghe gọi, nhắn tin) đang giảm nhẹ hàng tháng (từ 0,3- 0,6%/tháng).
Nếu như hồi tháng 1/2022, cả nước vẫn còn 26,96 triệu thuê bao sử dụng điện thoại feature phone thì đến nay, con số này chỉ còn 26,1 triệu. Như vậy, trong 9 tháng qua đã giảm gần 1 triệu thuê bao sử dụng điện thoại feature phone.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số thuê bao sử dụng smartphone tăng và thuê bao điện thoại featurephone giảm đồng bộ với chủ trương tắt sóng 2G.
Kế hoạch tắt sóng 2G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập trước đó. Việc phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân là một trong những mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tắt sóng 2G sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên khi nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, tham gia sâu hơn vào các dịch vụ số, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Công nghệ di động thế hệ cũ 2G đã được triển khai tại Việt Nam gần 30 năm. Tuy nhiên, để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại smartphone tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới.
Theo Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, các băng tần 900/1800MHz được dành cho hệ thống thông tin di động IMT (băng tần cho hệ thống thông tin di động 3G, 4G, 5G). Như vậy băng tần 900/1800MHz sẽ không được tiếp tục dùng cho 2G sau khi giấy phép sử dụng các băng tần này hết hạn.
Còn theo Thông tư 43 về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất- phần truy cập vô tuyến" của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ 1/7/2021, tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Như vậy, các sản phẩm thiết bị điện thoại di động nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G hoặc 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI LỘ TRÌNH, KẾ HOẠCH DỪNG CÔNG NGHỆ DI ĐỘNG 2G
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp di động và cơ bản đã thống nhất về định hướng lộ trình dừng công nghệ di động 2G.
Trong văn bản số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G ngày 27/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai việc dừng công nghệ di động 2G.
Theo đó, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp có thể bắt đầu triển khai ngay với việc tắt dần các trạm 2G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp. Mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất và thời điểm hết hạn muộn nhất của giấy phép sử dụng băng tần số 2G (900MHz/1800MHz) để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Việc triển khai kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G thay thế hoàn toàn được vùng cung cấp dịch vụ công nghệ 2G để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh truyền thông tới khách hàng về kế hoạch dừng công nghệ 2G để thuê bao chủ động chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G, đồng thời, doanh nghiệp triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao di động công nghệ 2G sang sử dụng điện thoại di động smartphone 4G/5G. Phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G.
Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, các doanh nghiệp đề xuất và thực hiện thống nhất các chính sách quản lý, duy trì và phát triển thuê bao 2G tránh việc thuê bao 2G của mạng này chuyển sang mạng khác khi các doanh nghiệp triển khai tắt dần các trạm 2G tại các khu vực dừng công nghệ.
Căn cứ các nội dung quy định và cam kết của doanh nghiệp tại giấy phép kinh doanh dịch vụ thông tin di động như số lượng trạm thu phát sóng, phạm vi cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất, tỷ lệ phần trăm dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông di động theo các tiêu chuẩn công nghệ GSM, WCDMA, LTE-Advanced, Bộ đề nghị doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết dừng công nghệ 2G và gửi về Bộ trước ngày 20/10/2022.