Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp cuối tháng 5 về việc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước được ủy quyền trên địa bàn các tỉnh miền Trung và công tác tổ chức bộ máy của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
DỪNG UỶ QUYỀN QUẢN LÝ ĐƯỜNG THUỶ TẠI 3 ĐỊA PHƯƠNG
Sau khi nghe báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tổ chức cán bộ và ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, kết luận trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của trung ương về phân cấp phân quyền giữa trung ương và cơ quan địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã ủy quyền cho sở giao thông vận tải một số tỉnh khu vực miền Trung thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Để kịp thời tiếp nhận, triển khai ngay các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đối với các khu vực tiếp nhận từ địa phương, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ Giao thông vận tải có văn bản dừng ủy quyền công tác quản lý nhà nước theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; đồng thời, phối hợp, hướng dẫn Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong việc tiếp nhận các nhiệm vụ được bàn giao từ địa phương, bảo đảm công tác quản lý nhà nước được liên tục.
Cùng với đó, không thành lập đại diện cảng vụ đường thủy nội địa thuộc các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng đề án thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V để quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung, trước mắt là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 10/6.
Trong đó, “cần nêu rõ sự cần thiết và cơ sở pháp lý; mục tiêu, phạm vi, đối tượng, địa bàn quản lý; loại hình và tên gọi; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; việc đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định; dự kiến vị trí việc làm, biên chế công chức theo vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, cơ chế tài chính; phương án thành lập và lộ trình triển khai hoạt động theo quy định”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Sau khi thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục rà soát, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 270/QĐ-BGTVT ngày 18/2/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng giao Vụ Tài chính phối hợp, hướng dẫn Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bảo đảm trụ sở, cơ sở vật chất, cơ chế tài chính đáp ứng việc thành lập và hoạt động của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V ngay sau khi được thành lập.
NHIỀU VƯỚNG MẮC KHI TRAO QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hiện quản lý hơn 7.100km tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Theo quy định, ngân sách sẽ giao cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo thẩm quyền. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa quốc gia; còn ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa địa phương.
Tuy nhiên, để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương, từ năm 2009, Bộ Giao thông vận tải ủy quyền công tác quản lý bảo trì một số tuyến quốc gia cho 11 sở giao thông vận tải và ủy quyền về quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy cho 10 sở giao thông vận tải địa phương.
Dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, theo ghi nhận, sở giao thông vận tải các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... gặp rất nhiều khó khăn do thiếu biên chế, năng lực cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy, trang thiết bị, phương tiện và kinh phí hoạt động.
Do đó, các sở kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấm dứt nhiệm vụ ủy quyền cho sở quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn các tỉnh, để giao cho Cục Đường thủy nội địa quản lý, đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, hoàn thiện thông tư để phân cấp cho từng địa phương, đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan, điều kiện, đặc điểm của từng địa phương; dự kiến trong năm 2023 sẽ ban hành. Các tỉnh cần chuẩn bị bộ máy, nhân sự tiếp nhận và tổ chức quản lý trong thời gian tới.