Thông tin về thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính cho biết: tính từ đầu năm đến ngày 19/4/2024, có 27 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 36,9 nghìn tỷ đồng, giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm áp đảo 55,23% (20,4 nghìn tỷ đồng) và tổ chức tín dụng chiếm 27,5% (10,1 nghìn tỷ đồng). Lãi suất phát hành bình quân 9,51%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân là 4,31 năm; 38,1% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.
Khối lượng mua lại trước hạn là 29,2 nghìn tỷ đồng (giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Phân tích chi tiết về hoạt động phát hành trong tháng 4/2024, trong báo cáo do FiinRatings vừa công bố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 sôi động hơn và lớn nhất từ đầu năm, với tổng giá trị đạt 13,9 nghìn tỷ, tương ứng mức tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản đã bớt dư thừa trong hệ thống. Các ngân hàng cũng tích cực phát hành trái phiếu mới để bù đắp lượng trái phiếu mua lại sẽ đáo hạn vào năm sau, qua đó tái cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng các quy định.
Các lô trái phiếu có giá trị phát hành lớn bao gồm: Tập đoàn Vingroup phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 4 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12,5%. Vinhomes phát hành 1 lô trái phiếu giá trị 2 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%.
Techcombank phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2 nghìn tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2% đến 6,8%.
Tuy áp lực đáo hạn và hoàn thành nghĩa vụ nợ sau khi thực hiện giãn hoãn hoặc cơ cấu vẫn còn song các doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ. Tính đến ngày 02/05/2024, ước lượng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257,17 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cập nhật thị trường của FiinRatings
Một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới bao gồm Ngân hàng HDBank và ba doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup, Vinhomes và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG).
Với thị trường thứ cấp, theo Bộ Tài chính, hiện đã phát sinh giao dịch của 314 mã trái phiếu thuộc 129 tổ chức phát hành. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 506,3 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,6 nghìn tỷ đồng/phiên.
Tính đến hết ngày 25/4/2024, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 1.018 mã trái phiếu của 283 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 715,2 nghìn tỷ đồng.
Phân tích kỹ hơn về giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong tháng 4/2024. FiinRatings tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt hơn 74 nghìn tỷ đồng , giảm 24,2% so với tháng trước.
Khối lượng giao dịch qua hình thức khớp lệnh tuy tăng hơn 2 lần so với tháng 3 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp với chỉ 0,37% trên thanh khoản thị trường. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 4 đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 83,8% tháng trước.
Nhóm ngành tổ chức tín dụng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của tháng, với lần lượt tỷ trọng đạt 43,5% và 30,2%. Trong đó, sau diễn biến sôi động của tháng 3, lượng trái phiếu ngân hàng giảm 42,3% trong tháng này, dẫn đến tỉ lệ giá trị giao dịch của nhóm ngành này giảm hơn 12%.
Bên cạnh đó, các nhóm ngành khác cũng chứng kiến sự dich chuyển nhẹ về cơ cấu, với mức tăng 5,8% của nhóm ngành xây dựng và vật liệu và giảm 3,3% của nhóm ngành du lịch và giải trí.