July 25, 2023 | 12:59 GMT+7

TP.HCM còn 82.258 doanh nghiệp chậm đóng các loại bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế

Minh Hà -

Tính đến 30/6/2023, TP.HCM có tổng cộng 82.258 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền lên đến 6.222,33 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,26% so với kế hoạch thu…

Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một số đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa).
Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một số đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số doanh nghiệp chậm đóng là 82.258 đơn vị với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 6.222,33 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,26% so với kế hoạch thu.

Theo thống kê, có 40.394 đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng với số tiền hơn 1.632 tỉ đồng; 7.273 đơn vị chậm đóng từ 3-6 tháng với số tiền hơn 423 tỉ đồng; 5.113 đơn vị chậm đóng từ 6 đến dưới 12 tháng với số tiền gần 570 tỉ đồng. Đáng chú ý có đến 29.478 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền là 3.392 tỉ đồng, chiếm 54,52% tổng số tiền chậm đóng; trong đó có 26.609 đơn vị chậm đóng từ 24 tháng trở lên với số tiền chậm đóng là 2.874 tỉ đồng. Thậm chí có 582 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng từ 1 tỉ đồng trở lên, tổng số tiền chậm đóng là 2.168 tỉ đồng.

Trước thực trạng đó, UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về việc giải quyết tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phối hợp cung cấp thông tin về lao động, việc làm cho cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và giải quyết chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố thông báo tình hình chậm đóng của doanh nghiệp cho Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp để thông tin lại cho người lao động được biết và tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời, không để tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế quá lâu và quá lớn sẽ không khắc phục được, dễ dẫn tới tranh chấp phức tạp, khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không được giải quyết.

Đồng thời, Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp của 2 đơn vị, trong đó thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một số đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo Điều 216 Bộ luật Hình sự hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo tiến độ.

Bảo hiểm Xã hội TP.HCM chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate