Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên (năm 2021) thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh quốc (UKVFTA) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19, đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của năm 2021.
VẪN CÓ NHỮNG KHÓ KHĂN NHẤT ĐỊNH
Tại toạ đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA” ngày 11/11 ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhìn nhận, đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép…
Mặc dù vậy, vẫn đang có những khó khăn nhất định khi xuất khẩu sang thị trường này. Theo ông Khanh, đầu tiên vương quốc Anh có tiêu chuẩn rất cao với hàng nhập khẩu. Thu nhập của người tiêu dùng Anh cao, nên tư duy của họ đối với môi trường, lao động có sự khác biệt đòi hỏi doanh nghiệp cần phải chú ý. Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen, nên cần phải có thêm thời gian để thích ứng.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh có quan hệ truyền thống với các nước thuộc địa. Ví dụ hiện nay Anh nhập khoảng hơn 600.000 tấn gạo thì đại đa số thị phần đến từ Ấn Độ, Pakistan. Bởi người Ấn Độ, Pakistan chiếm rất đông ở vương quốc Anh, cho nên họ có truyền thống làm ăn với các nước thuộc địa. Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng hoặc chuỗi quan hệ làm ăn lâu đời này là một thách thức.
Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, Anh là những là một thị trường bao gồm những khách hàng rất khó tính, họ chi tiêu rất cẩn thận, rất dè dặt.
Họ thực sự rất khó tính về mẫu mã, kiểu dáng và đặc biệt Anh đặt ra một số những yêu cầu rất nghiêm khắc về mặt môi trường. Không chỉ vậy, sau Brexit, Anh luôn dương ngọn cờ về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính...
TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN CHO DOANH NGHIỆP
Ông Hoài cho rằng thị trường Anh như một trung tâm có hiệu ứng lan tỏa. Nếu duy trì được đà tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, chúng ta nhất định sẽ tạo dựng được uy tín, tạo dựng được sự quan tâm của các thị trường khác vì thị trường UK có tính dẫn dắt.
Để đạt được mục tiêu này, riêng vào ngành gỗ, theo ông Hoài, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Anh phải đặc biệt chú ý đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Tận dụng tốt những nền tảng kỹ thuật số để tiếp thị, đưa sản phẩm của đến với khách hàng Anh.
Lâu nay ngành công nghiệp gỗ của chúng ta phát triển theo chiều rộng, chúng ta sử dụng nhân công, sử dụng nguyên liệu đầu vào lớn để tạo ra giá trị sản phẩm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong những năm tới chúng ta phải có một bước chuyển đổi, phải tạo ra một bước ngoặt lớn, đi vào chế biến và xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chú ý đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch của đầu vào, đầu ra. “Nếu chúng ta có một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt hơn thì chúng ta có thể có năng lực phòng vệ thương mại tốt hơn”, ông Hoài khẳng định.
Đồng thời, tận dụng tốt cơ hội mà công nghệ số mang lại, tăng cường quảng bá thương hiệu để người tiêu dùng Anh biết đến Việt Nam là một trung tâm chế biến gỗ có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh tốt và bền vững.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, Bộ Công Thương rất nên cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là những nghiên cứu về các xu hướng mới, các yêu cầu mới để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường Anh dễ dàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay câu chuyện về giá năng lượng, thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng… thì liệu có cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam hay không?...
Đồng tình điều này, ông Khanh bổ sung, chúng ta cần xác định ngành hàng nào cần thúc đẩy, ví dụ như thủy sản, dệt may, rau quả.... Sau đó tổ chức các hội nghị chuyên đề, mời các chuyên gia trong những lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đó đến nói chuyện, chia sẻ.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vốn đã làm ăn quen với một số thị trường truyền thống mà chưa chú trọng sang các thị trường Việt Nam có FTA lớn. Giải quyết tư duy e ngại của doanh nghiệp bằng việc mời các doanh nghiệp đã thành công trong xuất khẩu sang Anh chia sẻ cách làm, giúp cho doanh nghiệp tự tin rằng có những người đi trước, có những người mở được thì sẽ làm được.
Bộ Công Thương tập trung xây dựng cổng thông tin FTAP (cổng thông tin về các FTA). Tất cả các vấn đề liên quan đến FTA từ ưu đãi thuế, quy tắc xuất xứ, thông tin thị trường, xúc tiến, vấn đề lao động, môi trường... đều được tìm thấy trên cổng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được nhiều hơn cơ hội từ các FTA.
Ông Khanh thông tin thêm, Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương xây dựng đề án đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương, tương tự như PCI Index (đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).
Chỉ số này sẽ xếp hạng tất cả 63 tỉnh thành về kết quả thực thi các FTA. Chỉ số FTA sẽ giúp thay đổi tư duy và giúp cho các chính quyền địa phương tích cực hơn, đẩy mạnh hơn hoạt động hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp tận dụng được các FTA.