December 14, 2024 | 07:51 GMT+7

Xuất khẩu dừa năm 2024 ước lập kỷ lục 1 tỷ USD

Chương Phượng -

Xuất khẩu dừa đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ước đạt kim ngạch 1 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, do tình trạng xuất khẩu ồ ạt trái dừa tươi sang Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến dừa phải hoạt động cầm chừng với 10-15% công suất…

Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao.
Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13/12/2024 tại Bến Tre, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.

DỪA TRỞ THÀNH TRÁI CÂY XUẤT KHẨU KIM NGẠCH CAO

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa). Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao, từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam. Từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét.

Ông Lê Thanh Hoà: "Thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức"
Ông Lê Thanh Hoà: "Thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức"

“Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân”, ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 mã số vùng trồng dừa với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Dự kiến, xuất khẩu dừa sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2024.
Dự kiến, xuất khẩu dừa sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2024.

Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Mega A Logistics “mách nước” cho các doanh nghiệp xuất khẩu dừa, hiện nay ngoài vận chuyển dừa xuất khẩu bằng đường bộ qua các cửa khẩu, thì loại hình vận chuyển đường biển đang chứng minh cho hiệu quả kinh tế tốt nhất. Bên cạnh đó, các chuỗi cấp lạnh (cơ sở bảo quản, công lạnh…) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc được cải thiện, nâng cấp hơn.  

“Thông qua chuỗi này vận chuyển bằng đường biển, chi phí logistics (toàn thời gian) chỉ tiêu tốn khoảng 3.000 đồng/trái, nhưng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cơ quan kiểm dịch của Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra và thông quan nhanh hơn rất nhiều so với qua cửa khẩu đường bộ (chưa đầy 12 giờ)”, ông Long thông tin.

NGUY CƠ THIẾU NGUYÊN LIỆU, MUA BÁN MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp chế biến dừa đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.

 

"Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta sẽ lao dốc”. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất chỉ còn 0%, nên nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Trong khi đó, từ 1/1/2025, Indonesia là thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư. Như vậy, nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: "Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng".
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: "Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng".

Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group nêu tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là một vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xuất khẩu dừa.

“Hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính”, ông Phú cảnh báo.

Để khắc phục, ông Phú cho rằng cần xây dựng hệ thống số hóa để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết căn cứ Quyết định 431/2024/QĐ-BNN-TT, mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa được giữ ổn định 200.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích dừa cả nước đã đạt con số này. Do đó, việc phát triển cây dừa phải đi sâu vào chất lượng, hoặc những phụ phẩm từ cây dừa có thể chế biến thành nhiều mặt hàng khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ: "Cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa".
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ: "Cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa".

Theo thống kê, 30% diện tích dừa trên cả nước đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.

Bà Thuỷ cho rằng bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

“Để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, giá bán cũng như cân đối cung - cầu, cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa. Từ đó, mới tránh được tình trạng giá dừa xuống thấp như thời gian qua", bà Thuỷ nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate