Thống kê từ Chứng khoán Kis cho thấy, trong tuần trước 20-24/6, hoạt động mua ròng của quỹ ngoại tiếp tục chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lực cầu đã giảm. Giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 605 tỷ đồng, giảm 50% so với tuần trước.
Hoạt động mua ròng mức cao trên lĩnh vực Công nghiệp và Dịch vụ tiện ích, dẫn dắt bởi lực cầu trên VGC, REE, và GAS. Bên cạnh đó, lực cầu ngoại cũng đã quay trở lại trên lĩnh vực Tiêu dùng thiết yếu, tập trung chủ yếu trên VNM và VHC. Ở chiều ngược lại, áp lực bán đã quay trở lại và lan tỏa trên lĩnh vực Nguyên vật liệu khi hoạt động bán ròng tăng mạnh trên HPG. Ngoài ra, TD không thiết yếu và Bất động sản cũng bị bán ròng mạnh, tập trung trên MWG, VHM, NVL, và VIC.
Đối với dòng vốn ETFs, khi thị trường điều chỉnh dòng vón qua ETF tiếp tục đổ vào chứng khoán Việt Nam. Riêng tuần qua, dòng vốn tích cực tại Việt Nam đã quay trở lại mức bình thường, ghi nhận ở mức 21 triệu USD. Cụ thể, dòng vốn tích cực tập trung trên Fubon FTSE Vietnam và VFMVN Diamond lần lượt 11,4 triệu USD và 10 triệu USD trong khi hoạt động của dòng vốn là khôn đáng kể trên các ETFs chủ đạo khác.
Đáng chú ý, Việt Nam đã thu hút 356 triệu USD tương đương với hơn 8.200 tỷ đồng trong thời gian thị trường điều chỉnh, đóng góp chủ yếu bởi Fubon FTSE Vietnam và VFMVN Diamond.
Nhờ dòng vốn tích cực tại Việt Nam nên xét tổng thể cả Đông Nam Á, dòng vốn tích cực quay lại ở mức 4 triệu USD trong khi Indonesia và Singapore bị rút vốn. Hoạt động của dòng vốn trên các quốc gia chủ đạo khác như Malaysia, Philippines, và Thailand là không đáng kể trong tuần trước.
Dòng vốn được dự báo sẽ tiếp tục qua ETF đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Động lực đến từ nền kinh tế đất nước vẫn đang trong tình trạng vững mạnh, chủ yếu do tiêu dùng nội địa - chiếm 2/3 GDP của Việt Nam - đang bùng nổ. Do đó, thị trường có đồng thuận rằng kỳ vọng EPS của VN-Index sẽ tăng trưởng gần 20% trong năm nay, theo Bloomberg.