Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị ban hành ngày 9/12/2011. Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
LỰC LƯỢNG CHỦ CÔNG CỦA NỀN KINH TẾ
Phát biểu tại buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) vào chiều 15/9/2022, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, nhấn mạnh rằng qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu doanh nhân, còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, chúng ta đã có hơn 7 triệu doanh nhân.
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới...
Năm 2021, mặc dù cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn bởi đại dịch Covid-19, song theo Tổng cục Thống kê, cả nước bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Một bộ phận đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đồng tình, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn.
Số doanh nghiệp hoạt động của cả nước tăng 3 lần, từ 279.360 doanh nghiệp năm 2010, lên 857.559 doanh nghiệp tính đến ngày 31/12/2021. Khu vực doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 14.702.546 lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm). Vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này.
Chất lượng doanh nhân cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân, trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.
NÂNG TẦM VỊ THẾ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ
Bên cạnh những kết quả tích cực, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa như việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm. Việc xây dựng và triển khai thực hiện một số văn bản, đề án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn chưa đạt so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh còn có điểm mâu thuẫn, chồng chéo khiến cho quy trình thực hiện đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc. Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.
Chủ tịch VCCI thừa nhận rằng hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết,... nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hạn chế về đạo đức doanh nhân.
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Vì vậy, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Theo đó, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, mà còn cần phải vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi,… ông Phạm Tấn Công đề xuất chú trọng 3 giải pháp đột phá.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điều kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân.