June 21, 2022 | 14:10 GMT+7

Digital transformation redefining journalism

Nhĩ Anh -

The Ministry of Information and Communications is developing a draft Strategy for digital transformation of the media to 2025 and vision to 2030, with the media developing towards multi-platform, multi-media, and multi-services. By 2030, 90 per cent of electronic media agencies will convert their operating mechanisms to a model of a converged, multi-media newsroom.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Theo thống kê từ Cục Báo chí, tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816; trong đó báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230, báo chí điện tử là 29. Có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương là 164; địa phương là 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.

BÁO CHÍ TRƯỚC CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin. Mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập, khiến chất lượng nội dung sa sút...

Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Sự giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng còn kéo theo những hệ lụy xã hội khác.

Chuyển đổi số để tồn tại, phát triển và phục vụ công chúng tốt hơn - Ảnh 1

Do đó, chuyển đổi số là một lời giải cho đổi mới sáng tạo để báo chí cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khi bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận thông tin, báo chí phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm.

 
Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, phát triển nền báo chí dữ liệu...

Tại các diễn đàn chuyển đổi số báo chí gần đây, các ý kiến đều khẳng định, chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Hiện nay, khi quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc chuyển đổi số báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc chuyển đổi số sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông…

Các chuyên gia nhấn mạnh, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu... Cục Báo chí cho biết việc hỗ trợ của Nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan còn lại.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, nên chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.

CHUYỂN ĐỔI SỐ “VẼ” LẠI BỨC TRANH BÁO CHÍ

Theo các chuyên gia, không có một câu trả lời chung cho tất cả các cơ quan báo chí nhưng con đường hướng đến chắc chắn sẽ phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ “vẽ” lại bức tranh của báo chí Việt Nam. Mẫu hình không giấy mới là tương lai của các cơ quan báo chí và phải đẩy mạnh digital. Không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí bởi nếu trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số sẽ là “cây bút đẹp nhất vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam”, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.

Theo nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung, mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, tài chính khác nhau. Nếu bắt chước mô hình của đơn vị khác hoặc nước ngoài sẽ gây ra sự khập khiễng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần xác định mục tiêu để có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực của mỗi báo.

Chuyển đổi số không phải bức tranh màu hồng, cũng không phải những mô hình sao chép theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ là đã thành công. Chuyển đổi số cũng không thể là những báo cáo với kết quả tô điểm bằng trăm view, nghìn like, triệu sub…

Chuyển đổi số để tồn tại, phát triển và phục vụ công chúng tốt hơn - Ảnh 2

Một số ý kiến cho rằng chuyển đổi số hệ thống báo chí không thể là “một trận đánh đồng loạt”, đồng thời, theo một “công thức chung” để áp dụng máy móc cho tất cả các cơ quan báo chí. Tùy theo từng điều kiện, bối cảnh và trường hợp cần có những bài toán riêng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty CP Công nghệ NEKO nhận xét, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động đi đầu trong chuyển đổi số nhưng cũng có đơn vị còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc sao chép nguyên mô hình của các cơ quan báo chí lớn nhưng không phù hợp. Chuyển đổi số cần phải xuất phát trực tiếp từ nhu cầu của mỗi tòa soạn và các tòa soạn phải có những cách làm riêng, phù hợp, ông Duyến nói.

Từ các căn cứ thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông trong thời gian qua cũng như trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ.

PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG ĐA NỀN TẢNG, ĐA PHƯƠNG TIỆN, ĐA DỊCH VỤ

Dự thảo Chiến lược xác định báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Để thực hiện, Dự thảo nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng số, phát triển nhân lực…

 
Chuyển đổi số báo chí là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Không phải cơ quan nào cũng sẽ thành công, và đó là sự sàng lọc tự nhiên.

Theo các chuyên gia, chiến lược là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.

Điều này sẽ trả lời rất nhiều bài toán khó như: cần làm gì để phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ một cách tối ưu nhất? Việc phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả có thể được triển khai như thế nào? Phải làm gì để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi?...

Các chuyên gia cho rằng báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu. Nhà nước đã đầu tư cho báo chí trong không gian vật lý như thế nào thì giờ cũng phải quan tâm đầu tư hạ tầng, nền tảng cho báo chí, truyền thông trên không gian số: nền tảng sản xuất và phân phối nội dung; nền tảng an toàn thông tin; nền tảng thương mại, dịch vụ, thanh toán phục vụ kinh doanh nội dung số, truyền thông số…

Chuyển đổi số báo chí đòi hỏi Nhà nước đảm bảo được những nền tảng, điều kiện và thể chế cơ bản để bảo vệ, quản lý và phát triển được báo chí trên không gian mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Không phải cơ quan nào cũng sẽ thành công, và đó là sàng lọc tự nhiên để chỉ giữ lại những cơ quan báo chí mạnh, đủ điều kiện hoạt động và phát triển. Do đó, vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo ra nền tảng, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực, nhưng không làm thay cơ quan báo chí.

 
Một số mục tiêu trong dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí
Đến năm 2025:
- 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước).
- 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
- 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
- 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…
- 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.
Đến năm 2030:
- 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
- 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
- 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…
- 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate