Ngày 16/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề: "Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”. Các đối tác trong nước và quốc tế sẽ cùng nhau thảo luận về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và lộ trình triển khai.
GIẢM THIỂU GÁNH NẶNG MÔI TRƯỜNG, DOANH NGHIỆP NỖ LỰC CHUYỂN MÌNH
Tiên phong tại Việt Nam trong sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC), Unilever hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác khác triển khai trong 3 năm qua, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa.
Chia sẻ về sáng kiến này tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết sáng kiến nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và mong muốn nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trên quy mô của toàn quốc.
Sáng kiến này được khởi nguồn từ việc Unilever cùng các đối tác quan sát thấy hàng năm Việt Nam tiêu thụ 3 triệu tấn nhựa ở Việt Nam nhưng mới thu gom và tái chế 33% lượng nhựa này.
"Xét về mặt kinh tế, chúng ta đang mất gần 70% giá trị của vật liệu nhựa, tương đương với gần 3 tỷ USD/năm; đồng thời, thải ra môi trường rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng", bà Vân khẳng định.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo của Unilever Việt Nam, chúng ta phải bẻ hướng dòng chảy của nhựa theo hướng tuần hoàn và quay lại để phục vụ đời sống con người thay vì bị thải bỏ.
Những năm qua, các đơn vị tích cực thúc đẩy những sáng kiến và phát triển sản phẩm để cải thiện vật liệu bao bì một cách phù hợp để tuần hoàn. Đến nay Unilever Việt Nam có khoảng 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc sẽ dễ dàng phân hủy. Đồng thời, cũng cắt giảm được 52% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Tuy nhiên, theo bà Vân, cần phải hợp tác nhiều phía mới giải quyết được vấn đề, quan trọng nhất là phải xây dựng được nhận thức trong cộng đồng.
"Về vấn đề hợp tác, kinh tế tuần hoàn nhựa rất dễ nói nhưng rất khó làm vì có rất nhiều thách thức, điều này đòi hỏi phải đặt công sức, sự quyết liệt và đưa ra cam kết trong vấn đề đầu tư, nhìn đường dài để đưa mô hình đi vào vận hành", lãnh đạo của Unilever Việt Nam bày tỏ.
Hiện không chỉ những tập đoàn lớn Unilever Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đưa ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam đang định hướng "xanh hoá", doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng đang chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn mới và cam kết mạnh mẽ về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái.
Chia sẻ dưới góc nhìn của một định chế tài chính lớn, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.
"Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, VietinBank luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh phát triển bền vững, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia, sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường", ông Sơn khẳng định.
Theo đó, VietinBank cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững để ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
TRỌN BỘ GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH CHO CÁC DỰ ÁN
Cũng theo ông Đỗ Thanh Sơn, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 687/QĐ-TTG ngày 07/06/2022 chỉ ra mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người dân từ kinh tế tuần hoàn.
Để đạt được các mục tiêu của đề án, lãnh đạo VietinBank cho rằng bên cạnh việc hoàn hiện cơ chế chính sách để định hướng các chủ thể trong nền kinh tế hành động, nguồn tài chính cần huy động cho các dự án là rất lớn.
Xác định phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên thế giới, ngân hàng dành nhiều nỗ lực và đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hội đồng quản trị cũng như ban điều hành của VietinBank đã quan tâm tới các lĩnh vực này từ rất sớm. Từ thỏa thuận hợp tác với IFC năm 2010, IFC hỗ trợ tư vấn cho VietinBank các nội dung về phát triển bền vững.
VietinBank cũng chủ động đưa ra các quy định nội bộ và truyền thông tới nhân sự trong ngân hàng về các hành động nhằm tiết kiệm năng lượng như: giảm chi phí sử dụng nước sạch, giảm lượng tiêu thụ điện trên toàn hệ thống...
VietinBank cũng thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững của ngân hàng để chỉ đạo xuyên suốt các hoạt động về phát triển bền vững trong ngân hàng.
"Với danh mục cho vay khách hàng tại 30/09/2023 đạt trên 1,38 triệu tỷ đồng, VietinBank dành nguồn lực lớn gần 550.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng danh mục cho vay để tài trợ cho các lĩnh vực tiềm năng của mô hình kinh tế tuần hoàn như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; khai khoáng và năng lượng; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng và giao thông vận tải; quản lý chất thải...".
"Trong đó, tỷ trọng tài trợ phát triển bền vững trong tổng danh mục tín dụng của ngân hàng đã nâng dần từ 1,47% năm 2018 lên 6,05% năm 2022, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp lâm nghiệp bền vững, xử lý nước và rác thải...", lãnh đạo VietinBank thông tin.
Nhằm hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, lãnh đạo VietinBank cam kết sẽ cung cấp trọn gói bộ giải pháp tài chính dành cho các dự án.
Thứ nhất, VietinBank là đại diện tư vấn thu xếp vốn cho các dự án, tư vấn mua bán sáp nhập, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, tham gia cấp tín dụng cho các dự án thông qua các hình thức như cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu, phát hành LC…
Thứ ba, mở và quản lý tài khoản quản lý doanh thu, tài khoản quản lý dòng tiền trả nợ...
Các sản phẩm dịch vụ triển khai sẽ được VietinBank xây dựng với chính sách cấp tín dụng linh hoạt, hồ sơ thủ tục tinh giản, thiết kế phù hợp đặc thù ngành nhằm hỗ trợ các dự án được triển khai đúng tiến độ, kịp thời.
"VietinBank cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.
Đồng thời, VietinBank sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.