Đánh giá về kết quả này, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh rằng trong 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất, kinh doanh của Hà Nội hồi phục mạnh mẽ. Bức tranh kinh tế-xã hội có nhiều điểm nổi bật: Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng cao hơn cùng kỳ…
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
Việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp Hà Nội phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kinh tế - xã hội Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; thu ngân sách Nhà nước tăng 13,7%. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%.
Trong 9 tháng năm nay, đa số các ngành đều có sản lượng hàng hóa tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng, góp phần nâng cao chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp 9 tháng.
Cụ thể, sản xuất đồ uống tăng 18%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 16%; sản xuất, lắp ráp xe máy, phụ tùng xe máy và các phương tiện vận tải tăng 13,1%...
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho gieo trồng lúa và hoa màu; diện tích cây lâu năm đạt khá. Chăn nuôi có sự phục hồi và phát triển, không xảy ra dịch bệnh lớn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.
Bên cạnh đó, giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát; văn hóa nghệ thuật, thể thao được quan tâm phát triển; thị trường lao động việc làm sôi động trở lại; an sinh xã hội được đảm bảo.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước và Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thành phố quý 3 và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phát triển tích cực.
NỖ LỰC ĐỂ NGUỒN VỐN FDI "ĐỔ" MẠNH VỀ THỦ ĐÔ
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tháng 9/2022, TP.Hà Nội thu hút được 169,4 triệu USD. Trong đó có 20 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 10,1 triệu USD; có 12 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 140,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 15 lượt, đạt 19 triệu USD.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn thành phố thu hút 1.019 triệu USD vốn FDI, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Hiện Hà Nội đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận rằng để làm được điều này đòi hỏi trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch cần hạn chế làm bề nổi, chuyển sang hoạt động thực tế đi vào chiều sâu; qua đó nâng cao hiệu quả trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI và tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, thành phố Hà Nội cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong tháng 9/2022, TP.Hà Nội có 2.203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 93% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 10%. Cộng dồn 9 tháng qua, Hà Nội có gần 22.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có hơn 8.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,3%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 ước thực hiện 244.100 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh công tác quyết toán những dự án hoàn thành; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên trong đó ưu tiên các nhiệm vụ chi phục hồi kinh tế.
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2022, trong những tháng cuối năm, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch, Chương trình của Thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Đồng thời, các cấp các ngành cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn...
Cùng với đó, tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ; hạ tầng khu công nghiệp. Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp
Ngoài ra, nỗ lực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với đối tượng yếu thế, trong đó đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cho người dân đặc biệt trong dịp Tết. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ…