Ngày 23/10, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố xác định trách nhiệm và cam kết tích cực triển khai Nghị quyết 24 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao nhất. Triển khai Nghị quyết 24 là công việc phải thực hiện trong nhiều năm và TP.HCM sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể.
Ngoài ra, Thành phố cũng xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị - đất đai, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý xã hội, thí điểm cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, cơ chế phân cấp phân quyền cho TP.Thủ Đức.
"Dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Đồng thời, TP.HCM cũng tập trung làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các cao tốc kết nối.
Để phát huy các dự án đó trong tương lai và đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, TP.HCM tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu kết nối Quận 7, TP.Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía đông.
Bên cạnh các công trình giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo tinh thần Nghị quyết 24.
Việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, chứ không mang tính cạnh tranh, làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có.
Dự án này cơ bản sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang tính khả thi cao do nhà đầu tư là một trong những hãng vận tải tàu biển hàng đầu thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng, nếu được triển khai, dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.