Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, vào tháng 8/2021, khoảng 18,9% trường hợp tử vong do Covid-19 xảy ra trong số những người đã được tiêm chủng. Sáu tháng sau, vào tháng 2/2022, số ca tử vong đó đã tăng lên hơn 40%. Tương tự, vào tháng 9/2021, chỉ 1,1% trường hợp tử vong do Covid-19 xảy ra ở những người đã tiêm liều vaccine thứ ba. Đến tháng 2/2022, tỷ lệ đó đã tăng lên khoảng 25%.
Tiến sĩ John Brownstein, nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) nhận định: “Ngay từ ban đầu, chúng ta đều biết vaccine sẽ giảm dần hiệu lực theo thời gian trong khi các biến thể mới thì tiến hóa mỗi ngày”. Cho đến nay, hơn 220 triệu người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, trong đó 100 triệu người đã được tiêm mũi thứ ba. Tuy nhiên, khoảng 91,5 triệu người Mỹ đủ điều kiện vẫn chưa chịu tiêm nhắc lại và đây chính là nguyên nhân gây ra ca nhiễm mới và tử vong tăng.
Các chuyên gia y tế cho biết vaccine và thuốc tăng cường tiếp tục cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại bệnh tật nghiêm trọng. Vì thế, người lớn tuổi và những người có nguy cơ cao vẫn nên tiêm các mũi bổ sung. “Những người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền, tiếp tục có nhiều nguy cơ bị các biến chứng nặng. Cách tốt nhất để bảo vệ họ là hãy đảm bảo rằng mọi người xung quanh họ đều được chủng ngừa đầy đủ”, tiến sĩ Brownstein nói. Theo ông, tất cả người trên 50 tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch trên 12 tuổi và những người đã tiêm hai liều vaccine nên tiêm nhắc lại lần thứ hai.
Hồi cuối tháng 3/2022, Mỹ đã cấp phép tiêm liều thứ tư vaccine Covid-19 cho công dân từ 50 tuổi trở lên do lo ngại làn sóng lây lan của các biến thể virus mới. Các loại vaccine được cấp phép sử dụng là vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo Tiến sĩ Peter Hotez, Đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ: "Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho thấy rằng, sau vài tháng kể từ lần tiêm nhắc lại đầu tiên, hiệu quả của vaccine đã có những suy giảm nhất định. Kết quả này vẫn tốt, nhưng không được như kỳ vọng. Ngoài ra, chúng tôi có dữ liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine sẽ khôi phục nếu bạn được tiêm liều tăng cường thứ hai, tức là liều thứ tư".
Ở châu Âu, Đan Mạch là nước đầu tiên tiến hành tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư cho các công dân dễ bị tổn thương nhất, tiếp đó là một loạt các quốc gia ở châu lục này như Bỉ, Anh, Hungary, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển… cũng lần lượt tiêm mũi thứ tư cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Mặc dù số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày ở Mỹ hiện đã giảm xuống rất nhiều, chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây nhưng mỗi ngày vẫn còn có hàng trăm người chết vì virus SARS-CoV-2. Không những thế, các ca bệnh đang gia tăng gần đây khiến Nhà Trắng đã cảnh báo rằng một đợt tái bùng phát dịch trong mùa thu và mùa đông sắp tới có thể gây ra 100 triệu ca mới. “Với thực tế là khả năng miễn dịch đang suy yếu, chúng ta hãy khuyến khích mọi người tăng cường sức khỏe,” Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia cố vấn y tế cho Nhà Trắng cảnh báo.
Cuối cùng, các chuyên gia nói rằng ngày nay chúng ta có các công cụ để đảm bảo lây nhiễm không trở thành bi kịch, đó là nên tiêm liều nhắc lại kết hợp cùng thuốc kháng virus. “Điều thực sự quan trọng là chúng tôi phải cố gắng thu hút hơn một nửa những người Mỹ chỉ mới tiêm hai liều đi tiêm liều thứ ba. Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt trong tương lai, và nó có thể đặc biệt tạo ra sự thay đổi khi chúng ta đang bước vào một làn sóng Covid-19 khác", tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA nói.
Trong khi đó, các hãng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đang chuyển trọng tâm sang sản xuất mũi vaccine tăng cường, một thị trường nhỏ hơn và cạnh tranh hơn. Các giám đốc điều hành (CEO) các hãng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, trong đó có Pfizer Inc và Moderna Inc bày tỏ tin tưởng rằng phần lớn người dân đã tiêm chủng muốn tiêm mũi vaccine tăng cường. Cho đến nay, hơn 5 tỉ người trên toàn thế giới đã tiêm chủng.
Trong năm tới, phần lớn các vaccine ngừa Covid-19 sẽ là mũi vaccine tăng cường hoặc mũi vaccine đầu tiên dành cho trẻ em vốn vẫn đang được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Dự báo, hãng Pfizer và đối tác BioNTech SE của Đức, Moderna sẽ vẫn đóng vai trò chủ chốt trên thị trường vaccine ngừa Covid-19 cho dù nhu cầu về vaccine trên toàn thế giới sẽ giảm. Các nhà phân tích dự báo vào năm 2023, hãng Pfizer/BioNTech đạt doanh thu trên 17 tỉ USD từ mũi vaccine tăng cường trong khi của hãng Moderna là 10 tỉ USD, chỉ bằng một nửa doanh thu dự báo tương ứng là 34 tỉ USD và 23 tỉ USD mà các hãng kỳ vọng đạt được trong năm nay.
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Immunology ngày 9/5, dựa trên các thông số thu được từ xét nghiệm PCR, mũi thứ 3 vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả phòng bệnh ước tính ở mức 85,6% so với việc chỉ tiêm hai mũi cơ bản. Nhóm nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y khoa Sheba và Đại học Tel Aviv nêu rõ họ đã thử nghiệm tiêm mũi thứ ba vaccine của Pfizer/BioNTech cho 12.290 nhân viên y tế chưa từng mắc Covid-19 và đã tiêm đủ hai mũi cơ bản trước đó.
Nghiên cứu cho biết thêm mũi thứ ba vaccine của Pfizer/BioNTech về cơ bản sinh lượng kháng thể cao hơn mũi thứ hai, vốn hiệu quả giảm dần từ 5-6 tháng sau khi tiêm. Theo dữ liệu thu thập được trong khuôn khổ nghiên cứu, dù lượng kháng thể tăng tương đối ít, chỉ khoảng 1,7 lần, nhưng hiệu quả trung hòa kháng thể trong máu tăng gấp 6 lần so với sau khi tiêm mũi thứ hai.