Tại hội thảo "Xu hướng phát triển bao bì xanh, thân thiện với môi trường: pháp lý và thực tiễn" diễn ra tại Bình Dương, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tiêu thụ nhựa toàn cầu ngày càng gia tăng, Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng này. Mặc dù đã có nhiều chính sách kiểm soát, lượng nhựa tiêu thụ trong nước vẫn tăng mạnh. Do đó, ngành bao bì cần có sự chuyển mình mạnh mẽ, giảm rác thải nhựa, hướng đến phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.
DỰ BÁO LƯỢNG NHỰA TIÊU THỤ NĂM 2025 SẼ LÊN ĐẾN HƠN 11 TRIỆU TẤN
Theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách giảm thiểu, tỷ lệ tiêu thụ nhựa vẫn tiếp tục tăng. Lượng nhựa tiêu thụ hiện nay đang tăng với tốc độ nhanh hơn sự gia tăng dân số, cho thấy con người đang lạm dụng nhựa.
Số liệu từ OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế- Organization for Economic Cooperation and Development) cho thấy năm 1950 thế giới sản xuất khoảng 2 triệu tấn nhựa, nhưng đến năm 2019 con số này đã tăng lên 368 triệu tấn. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, dự báo đến năm 2040, con số này có thể lên tới 736 triệu tấn.

Ông Thi cho biết Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng, năm 1990 Việt Nam tiêu thụ khoảng 0,2 triệu tấn nhựa, nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên hơn 9 triệu tấn. Xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, năm 1990 mỗi người Việt sử dụng khoảng 3,8 kg nhựa/năm, song đến năm 2019 con số này đã tăng lên 81 kg.
Dự báo năm 2025, con số này tăng lên 11,65 triệu tấn và đến năm 2029, sản lượng tiêu thụ nhựa có thể lên đến 16,3 triệu tấn mỗi năm.
“Do đó, cần giải pháp quyết liệt để giảm rác thải nhựa, thúc đẩy tái chế và áp dụng kinh tế tuần hoàn nhằm hạn chế phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh”, ông Thi nhấn mạnh.
Mặt khác, dẫn thống kê từ Vinpas, ông Bùi Quang Thịnh, Ủy viên Ủy ban khoa học- Công nghệ, Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) thông tin: Việt Nam hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp sản xuất bao bì.
“Các doanh nghiệp này có thể nâng cao tính bền vững của môi trường bằng cách tăng cường sử dụng tài nguyên tái tạo, giảm thiểu lượng chất thải, hạn chế phát thải khí nhà kính, sản xuất sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế”, ông Thịnh nhận định.
DOANH NGHIỆP TĂNG TỐC TRONG HÀNH TRÌNH GIẢM PHÁT THẢI
Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống, ngành bao bì đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, vận chuyển, phân phối hàng hóa một cách hiệu quả.
Cùng với xu hướng của thế giới, ngành bao bì Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến phát triển xanh, sản xuất xanh và bền vững. Đây là một bước tiến quan trọng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bao bì đang cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng, tác động lâu dài và bền vững đối với thói quen sử dụng của người tiêu dùng.
Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng bao bì cũng như doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đơn cử như tại Nestlé, doanh nghiệp định hướng năm 2025 sẽ giảm lượng phát thải xuống 20%, đồng thời 100% bao bì được tái chế hoặc tái sử dụng, cắt giảm 1/3 lượng nhựa nguyên sinh trong bao bì. Đến năm 2050 sẽ giảm tổng lượng phát thải nhựa bằng 0.
Tại Coca Cola, "ông lớn" này cũng đã đặt mục tiêu sử dụng 35% đến 40% vật liệu tái chế trong bao bì chính (nhựa, thủy tinh và nhôm), bao gồm cả việc tăng mức sử dụng nhựa tái chế lên 30%- 35% trên toàn cầu vào năm 2035. Đồng thời, giúp đảm bảo thu gom được từ 70%- 75% số lượng chai và lon tương đương được đưa ra thị trường hàng năm vào năm 2035.
Tương tự, các công ty sản xuất bao bì cũng đã hướng đến mục tiêu chung, Công ty sản xuất bao bì Alpla đưa ra mục tiêu đến năm 2030, giảm 7% theo tiêu chuẩn 3 về lượng khí thải CO2e trên mỗi tấn nguyên liệu nhựa sản xuất định kỳ.
Còn tại Tetra Pak, vào năm 2020, nhà máy Tetra Pak Bình Dương cũng nằm trong số ít nhà máy tại Việt Nam đạt chứng nhận LEED phiên bản vàng về các hoạt động bền vững. Với việc áp dụng tiêu chuẩn LEED, nhà máy này tiết kiệm 2 triệu lít nước/năm, tái sử dụng và tái chế 90% lượng rác thải, giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.
Bà Nguyễn Thanh Giang, Tổng Giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết tham vọng của doanh nghiệp là loại bỏ triệt để việc phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của nhà máy vào năm 2030.