September 27, 2021 | 16:37 GMT+7

Ongoing support needed for business

According to the Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI), it is necessary to improve the business environment and strongly reform administrative procedures to support businesses in the long term.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Từ tháng 8 đến ngày 15/9/2021, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng một số biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở mức tăng cường cao hơn so với Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ theo phương châm “ai ở đâu, ở đó”.

Nhằm đánh giá thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phải chật vật trải qua khó khăn bởi đại dịch, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp hội viên về tình hình hoạt động và tác động của các chính sách của chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp.

KHÓ KHĂN CHỐNG CHẤT KHÓ KHĂN

Kết quả khảo sát cho thấy, 140 ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp hội viên, chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh với tỷ lệ là 79,14%, hội viên FDI chiếm tỷ lệ 15,83%, các hội viên là doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ 5,03%. Số lượng ý kiến hội viên trong khu vực dịch vụ có tỷ lệ nhiều nhất với 48,2%, các hội viên trong khu vực công nghiệp với tỷ lệ 33,81%.

 
Trong bốn đợt dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng hiện có 41,73% doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động; 1,44% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động chờ giải thể.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng, hội viên VCCI tại Đà Nẵng đa phần là các doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có bề dày hoạt động nhiều năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành được xem là hy vọng trong thời kỳ dịch bệnh như xuất khẩu, y tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

“Thực trạng của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng càng khó khăn hơn bởi số các doanh nghiệp không được phép hoạt động theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh lớn hơn rất nhiều so với số được phép hoạt động, khó khăn càng chồng chất khó khăn”, ông Quang nhận xét.

Với những khó khăn về nhiều mặt trong sản xuất kinh doanh như hiện nay, doanh thu dự kiến của doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Có 88,6% doanh nghiệp dự báo doanh thu sẽ giảm so với năm 2020, trong đó 45,57% doanh nghiệp giảm từ 25% đến dưới 50%; 22,78% doanh nghiệp giảm dưới 25% và 20,25% doanh nghiệp doanh thu giảm trên 50%.

Cần mạnh tay cứu giúp doanh nghiệp - Ảnh 1

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng cũng đồng quan điểm với nhiều doanh nghiệp và ghi nhận có ba khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.

Đó là vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu gặp trở ngại do các trạm kiểm soát phòng dịch mỗi địa phương áp dụng các biện pháp khác nhau. Chi phí vận chuyển, logistics tăng cao do phải áp dụng các giải pháp chống dịch; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính.

Cũng theo kết quả khảo sát, có 98,56% doanh nghiệp hội viên cho biết dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, trong đó 73,38% có mức độ ảnh hưởng là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 25,18% bị ảnh hưởng một phần đến hoạt động kinh doanh của mình.

DOANH NGHIỆP NỖ LỰC DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG

Mặc dù khó khăn là vậy, song các doanh nghiệp hội viên VCCI tại Đà Nẵng đã rất nỗ lực để duy trì hoạt động, vì thế, hiện có 56,83% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động trong suốt thời gian dịch bệnh. Những doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động là những đơn vị có lĩnh vực hoạt động thuận lợi hơn, có đơn hàng, được phép hoạt động.

Trong số này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh duy trì hoạt động chiếm tỷ lệ cao nhất với 37,97%.

Một số lĩnh vực thiết bị y tế, công nghệ thông tin, kinh doanh hàng thiết yếu hoạt động có hiệu quả, dự kiến doanh thu sẽ tăng so với năm ngoái. Có hai mục tiêu chính thúc đẩy doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh.

Đó là duy trì được khách hàng thông qua việc hoàn thành đơn hàng và đảm bảo được lực lượng lao động của doanh nghiệp. Đây không chỉ là mục tiêu để doanh nghiệp trụ lại mà là cố gắng để duy trì được việc làm cho người lao động, đảm bảo sinh kế, góp phần cùng thành phố đảm bảo an sinh xã hội.

Cần mạnh tay cứu giúp doanh nghiệp - Ảnh 2

Bên cạnh đó, việc duy trì khách hàng là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, thực hiện “mục tiêu kép” khống chế dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế.

Các giải pháp quyết liệt của Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh, tuy nhiên cũng gây những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Sức chống chịu của doanh nghiệp trước dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội đã bị “bào mòn” trong năm 2020 và đang dần cạn kiệt trong năm 2021.

Đại dịch khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều, vì vậy, các doanh nghiệp đang rất cần những “liều thuốc trợ lực” từ chính quyền Đà Nẵng bằng các giải pháp cụ thể đồng bộ và dài hơi giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến chính quyền thành phố nhằm giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển. Về lâu dài vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Việc hỗ trợ lớn nhất, bền vững nhất của chính quyền cho cộng đồng doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ được làm những gì pháp luật không cấm. Trong điều kiện hiện tại, trước mắt các doanh nghiệp đề xuất nên tập trung vào 5 nhóm kiến nghị.

Một là, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động phòng chống, sống chung và sản xuất kinh doanh an toàn với dịch bệnh. Theo đó, thành phố giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19; vận dụng mọi nguồn lực để tiêm phủ vaccine cho toàn dân từ 18 tuổi đến 65 tuổi, ít nhất trên 70% được tiêm mũi hai để sớm có thể tiến hành mở cửa lại kinh tế.

 
Doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế thành phố hiện nay đang bị tổn thương, nhiều ngành bị tác động nghiêm trọng, do vậy rất cần nhiều thời gian để phục hồi.

Hai là, thành phố cần có kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên các tiêu chí về số ca nhiễm bệnh, sức chịu đựng của hệ thống y tế để kích hoạt chế độ nới lỏng hay thắt chặt giãn cách, công khai cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong lập kế hoạch, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xây dựng tiêu chí, công nhận “doanh nghiệp xanh” dựa trên các tiêu chuẩn: cơ sở vật chất, nhân lực được tiêm vaccine, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động khi thực hiện việc nâng mức giãn cách.

Bên cạnh các phương án sản xuất an toàn hiện nay như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, “4 xanh”, thì thành phố nên chấp thuận các phương án sản xuất an toàn mới do doanh nghiệp đề xuất nhằm thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, giúp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện giãn cách hay chủ trương “ai ở đâu, ở đó” cần có sự khác biệt giữa doanh nghiệp và người dân.

Ba là, thành phố cần xây dựng các phương án bảo đảm giao thông thông suốt; xem xét bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong vận chuyển, bởi tất cả các loại hàng hóa đều là cần thiết (trừ hàng cấm), cần tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ người vận chuyển.

Bốn là, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công, cắt giảm những công trình chưa cần thiết để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và cân đối ngân sách tránh gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế phải đóng để bù đắp suy giảm ngân sách thành phố.

Năm là, tiếp tục quan tâm và hỗ trợ để ngành du lịch phục hồi, vì đây là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, trọng điểm của thành phố trong những năm qua, đã và đang có tác động rất lớn, lan tỏa đối với các lĩnh vực kinh tế khác nhưng đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất qua hai năm dịch bệnh.

Do đó, thành phố nên chủ động đề xuất với Chính phủ có những cơ chế để ngành du lịch dần hoạt động trở lại như “bong bóng du lịch”, hộ chiếu vaccine, thẻ xanh...

Đồng thời, chọn một số địa điểm, khu du lịch lớn của Đà Nẵng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch và đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khép kín “bong bóng địa điểm du lịch” trong phạm vi thành phố, vùng để tổ chức đón khách du lịch quốc tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate