August 03, 2021 | 17:48 GMT+7

Opinions mixed on trade deficit

Tra My -

While some analysts are concerned that the deficit will continue to rise, there are others who are more optimistic, saying that the vast majority of imports, or some 93.8 per cent, are raw materials for the production of future exports.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 lần thứ tư ngày càng phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách đã có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng năm 2021 vẫn đạt mức cao, với 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

NHẬP KHẨU "ÁP ĐẢO" XUẤT KHẨU

Trong đó, xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 đã đảo chiều so với thời điểm này của năm 2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 6,5 tỷ USD).

Lo lắng gia tăng theo con số nhập siêu - Ảnh 1

Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa nghiêng về phía nhập siêu, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có đến 93,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.

Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

 
Trong 7 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 176,36 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 84,35 tỷ USD, tăng 30% và chiếm 44,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 48,9%.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý 3/2021, thậm chí quý 4/2021. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Lạc quan hơn, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, cho rằng nhập siêu không có gì đáng lo ngại bởi nhìn vào cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có đơn hàng nên phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu, linh, phụ kiện về để sản xuất.

Cụ thể, trong 7 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 39,4 tỷ USD (chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27,1 tỷ USD, tăng 36,8%; điện thoại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 48,5%; vải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 32,9%; chất dẻo đạt 7,1 tỷ USD, tăng 54,3%...

Dẫu vậy, nhập siêu gia tăng cũng đang mang đến không ít lo lắng, bởi ngoài việc nhập khẩu tư liệu sản xuất để phục vụ cho các ngành hàng xuất khẩu, thì việc gia tăng nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng, nhất là tiêu dùng xa xỉ rất đáng bàn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng qua, nhóm hàng tiêu dùng đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,5% và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cùng với con số nhập siêu còn xuất hiện những lo lắng từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả. Cụ thể 7 tháng qua, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD. Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI.

NỖ LỰC CẢI THIỆN CÁN CÂN THƯƠNG MẠI

Nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng sẽ tiếp tục khởi sắc khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

 
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản.

Trong 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%; hàng dệt may đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7%; thủy sản đạt 4,9 tỷ USD, tăng 12%...Với kết quả này, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ có thêm nhiều thuận lợi, bởi mới đây (ngày 24/7/2021), Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.

Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tin vui, bởi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt.

Tuy vậy, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Hà Nội, Tp.HCM… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.

Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan gặp khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu, từ đó khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate