Những tưởng ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vượt qua sóng dữ do đại dịch Covid 19 gây ra và sớm lấy lại những gì đã mất, tuy nhiên, năm 2023 dần khép lại nhưng ngành nghề này vẫn đang đối diện với nhiều gian khó.
Để tìm ra giải pháp vượt qua những cơn sóng ngầm và đón mùa lễ hội cuối năm với nhiều cơ hội, hàng trăm chủ doanh nghiệp ngành F&B hội tụ tại hội nghị với quy mô lớn do iPOS.vn tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội với chủ đề: "Sóng ngầm F&B".
SÓNG DỮ CHƯA QUA, DOANH NGHIỆP CHÙN CHÂN
Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn, đánh giá năm 2023 nền kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn, trong đó, mô hình kinh doanh trong lĩnh vực F&B phải đối diện những khó khăn chồng chất.
Báo cáo đầu năm của iPOS.vn cho thấy doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỷ đồng và mong đợi thị trường đầy tiềm năng này sẽ quay trở lại, ghi dấu tốc độ tăng trưởng nhanh, với sức mua lớn và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thế nhưng, khủng hoảng kinh tế bao trùm toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn khiến sức mua của người tiêu dùng trong nước giảm sút. Cùng với làn sóng sa thải của nhiều doanh nghiệp, thu nhập một bộ phận người lao động sụt giảm, phải lo "thắt lưng buộc bụng" khiến mức chi tiêu của khách hàng vào những sản phẩm ngành F&B hao hụt.
Cùng với đó, chi phí đầu vào tăng cao khiến các đơn vị kinh doanh trong ngành phải đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. Tất cả những khó khăn chồng chất khiến doanh số doanh nghiệp F&B sụt giảm.
"Nhìn lại bối cảnh kinh tế vĩ mô từ chia sẻ của những chuyên gia đầu ngành sẽ giúp doanh nghiệp F&B tăng tốc trong mùa kinh doanh cuối năm. Đây cũng là cơ hội để kết nối doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu ngành F&B với nhau để tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, tạo đà tăng tốc cho năm 2024", ông Hùng mong đợi.
Cũng theo ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, Phụ trách Khối Kinh doanh giải pháp tiếp thị và phân phối tại MoMo, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế chưa thể phục hồi một cách đáng kể, khả năng chi trả của khách hàng càng ngày hạn chế.
Tất cả các ngành bán lẻ, trừ lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước đây, lượt khách hàng giảm rõ rệt.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Ngô Nguyên Kha, CEO The Coffee House cho rằng trong tháng 10/2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm.
Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm cho thấy tương lai 6 tháng tới đây, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp tồn kho cao, nhiều người lao động không có thu nhập hoặc sẽ giảm sâu. Về đầu tư, doanh nghiệp cũng chần chừ mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm mà muốn làm sao bảo toàn được vốn, cầm cự chờ thời.
Cũng theo ông Kha, những đối tác chủ chốt của Việt Nam, ngoại trừ Ấn Độ tạm ổn, còn lại đều đang suy thoái, rõ ràng Việt Nam cũng không bán được hàng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dù nhu cầu vẫn không giảm nhiệt nhưng giới trẻ có xu hướng lựa chọn sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hơn, hoặc giảm số tiền mỗi lần chi tiêu, tần suất ghé quán cũng giảm nhẹ theo thống kê, trung bình 2 lần/tuần xuống còn khoảng 1,8 lần/tuần.
KHÔNG CHỜ KINH TẾ PHỤC HỒI, DOANH NGHIỆP CẦN TỰ THÍCH ỨNG
Để vượt qua những cơn sóng ngầm trong ngành, ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị thương hiệu Phúc Tea với hàng trăm điểm bán trải khắp cả nước, cho biết hai nhiệm vụ lớn doanh nghiệp đang tập trung để nỗ lực giữ mức tăng trưởng doanh thu.
Cụ thể, thương hiệu Phúc Tea đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhân sự và có thêm động thái cắt giảm nhân viên. Dù làn sóng sa thải nhân sự hơi tàn nhẫn nhưng lãnh đạo đơn vị này cho rằng không nên giữ những người đồng hành nhưng không đem lại giá trị cho doanh nghiệp. Trong khó khăn cũng loé lên cơ hội tối ưu hoá bộ máy nhân sự cho mỗi đơn vị.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng cần cắt giảm tối đa chi phí để các cửa hàng vận hành hiệu quả hơn. Ngoài ra, Phúc Tea đang từng ngày nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi thực khách chỉ mua sản phẩm nhỏ cũng được nhân viên chăm sóc, hỏi thăm để ghi điểm trong mắt khách hàng. Đặc biệt, "trăm sông đổ về biển", công ty tập trung thu thập dữ liệu lớn từ khách hàng để gợi ý sản phẩm khách hàng sắp tiêu dùng từ dữ liệu quá khứ.
"Phúc Tea không bán ly trà sữa mà bán khoảnh khắc, lan toả hạnh phúc và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng", lãnh đạo Phúc Tea bày tỏ.
Thương hiệu này cũng linh động khi chọn lựa bắt kịp xu hướng kinh doanh sản phẩm mới hay không, có những lúc doanh nghiệp nên kiên định không để bị cuốn trôi, nhưng đôi khi chạy theo dòng chảy để tranh thủ gặt hái thêm lợi nhuận.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Hoành Tiến, lãnh đạo MoMo chia sẻ thêm 3 làn sóng lớn trong lĩnh vực công nghệ có thể ảnh hưởng tới ngành.
Theo đó, thứ nhất livestream bán hàng là làn sóng đầu tiên và nổi sóng thời gian qua. Tuy nhiên, livestream bán hàng cũng không được dùng quá nhiều trong ngành F&B thời điểm hiện tại.
Thứ hai, thương mại xuyên biên giới cũng tác động không nhỏ với ngành.
Thứ ba, thanh toán không tiền mặt. Rõ ràng, làn sóng này diễn ra một cách mạnh mẽ trong ngành F&B so với thời gian trước.
Trích dẫn số liệu của iPOS.vn, ông Tiến cho biết thống kê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy 25% khách hàng thanh toán tại các cửa hàng không còn dùng tiền mặt. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh đến cuối năm sau, có thể lên mức 80% tại các nhà hàng, quán cà phê.
Cũng theo lãnh đạo MoMo, để trông chờ vào chuyện nền kinh tế tốt lên như một động lực để tăng trưởng là rất khó. Doanh nghiệp cũng chạy đua tăng trưởng nhanh thời điểm này thực sự cũng không phải phương án hiệu quả. Hay nhượng quyền kinh doanh để nhân rộng cũng cần phải lưu tâm vì đây là "con dao hai lưỡi", có thể đem lại thành công nhưng không ít rủi ro.
Thay vì chờ đợi nền kinh tế tốt lên hay trông chờ vào mùa lễ hội, ông Tiến cho rằng doanh nghiệp phải tự tìm lấy cơ hội, tự phải tìm cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh, chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới.
"Đây là thời điểm ngành F&B phải quay lại giá trị cơ bản, chất lượng đồ ăn, đồ uống phải tốt, tiện lợi và khuyến mãi thông minh. Cắt máu làm khuyến mãi không thể tồn tại lâu dài", lãnh đạo MoMo gợi ý. Theo đó, khuyến mãi cần tập trung vào khách hàng cũ, khách hàng trung thành, đây là nhóm mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành F&B có thể cân nhắc việc phối hợp với các nhãn hàng để quảng bá, khuyến mãi, vừa giúp doanh nghiệp có thêm khách hàng, lại có thêm thu nhập. Đây cũng là một cách để kéo khách hàng đến gần hơn với doanh nghiệp.