November 30, 2022 | 22:00 GMT+7

YouTube, Facebook cho người sử dụng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm, kiếm tiền

Đỗ Phong -

Tình trạng các mạng xã hội YouTube, Facebook... cho quảng cáo các nội dung vi phạm vẫn còn rất nhiều và chậm trễ trong việc khắc phục xử lý. YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng.

Đây là một trong những bất cập hạn chế, được Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng diễn ra chiều ngày 30/11/2022.

Chia sẻ về những kết quả đạt được khi Nghị định 70 về quy định quảng cáo trên mạng được ban hành tháng 7/2021, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra với 15 tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo và đã xử lý vi phạm hành chính với 15 tổ chức, cá nhân này với số tiền 210 triệu đồng. Cục cũng đã công bố 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật tại Việt Nam.

Trong 3 tháng 6, 7, 8/2022, Cục đã triển khai kiểm tra đột xuất 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với nhà kinh doanh quảng cáo nước ngoài và phát hiện rất nhiều sai phạm.

Qua quá trình kiểm tra giám sát đã cho thấy, những người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo không đầy đủ.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: tình trạng YouTube, Facebook cho quảng cáo các nội dung vi phạm vẫn còn rất nhiều và chậm trễ trong việc khắc phục xử lý
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: tình trạng YouTube, Facebook cho quảng cáo các nội dung vi phạm vẫn còn rất nhiều và chậm trễ trong việc khắc phục xử lý

Mặc dù quy định yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo thông tin liên hệ nhưng cũng chỉ có 9 đơn vị thực hiện… Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử lưu ý rằng nếu sau 1 năm các đơn vị này vẫn chưa đăng ký thông báo, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật để không cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam

Đáng chú ý, là tình trạng YouTube, Facebook cho quảng cáo các nội dung vi phạm vẫn còn rất nhiều và chậm trễ trong việc khắc phục xử lý. Mặc dù cơ quan chức năng đã làm việc nhiều lần với các nền tảng, tuy có sự chuyển biến nhưng còn rất chậm trong khắc phục xử lý, nhất là Facebook, ông Do nói.

Đơn cử như trong mùa World Cup 2022, Facebook xuất hiện rất nhiều quảng cáo liên quan đến cá độ bóng đá, nhưng gần như nền tảng này không có động thái gì để ngăn chặn, xử lý.

YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền, cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.

 
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo các đối tượng đó.
Cùng với đó xây dựng danh sách nội dung “sạch” trên mạng Việt Nam (White List) để các nhãn hàng ưu tiên quảng cáo và công bố trên cổng Thông tin Điện tử của Bộ và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đầu năm 2023.

Ngoài ra, các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa bảo đảm hiệu quả... Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật…

Điển hình là nhiều nhãn hàng đã bỏ tiền để quảng cáo trên tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô với những nội dung rất nhảm nhí, phản cảm, đang gây bức xúc dư luận.

Về phía nhãn hàng, đại lý quảng cáo vẫn còn chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thương mại điện tử vi phạm. Cùng với đó, các đơn vị này cũng không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Black List)".

Qua kiểm tra 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một đơn vị áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc… do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trên không gian mạng hiện nay, bên cạnh những nội dung tốt, lành mạnh, tích cực do người dùng tạo ra, vẫn tồn tại những nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, phản cảm.

Do đó, để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu: Ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm.

Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh. Bộ cũng sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo các đối tượng đó. Cùng với đó xây dựng danh sách nội dung “sạch” trên mạng Việt Nam (White List) để các nhãn hàng, đại lý ưu tiên quảng cáo trên đó. Danh sách sẽ được công bố trên cổng Thông tin Điện tử của Bộ và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đầu năm 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate