Vừa qua, tham gia chuyến Famtrip "khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức, chúng tôi đã đến nhiều làng trồng chè, trong đó ấn tượng là Hợp tác xã chè An toàn Khe Cốc ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương.
CHÈ HỮU CƠ BÁN ĐƯỢC GIÁ CAO, NÔNG DÂN GIÀU CÓ
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc, cho biết từ lâu “Chè Khe Cốc” đã được tôn vinh là một trong “Tứ đại danh trà” của tỉnh Thái Nguyên, gồm: Tân cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Khe cốc (huyện Phú Lương), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ). Khe Cốc được thiên nhiên ưu ái bởi chất đất và khí hậu rất tuyệt vời, phù hợp với cây chè trung du.
Tên vùng trà đặt theo tên con suối Khe Cốc, nước suối chảy về từ núi Chín Tầng, trong vắt nhìn rõ cá bơi. Trăm năm nay, đây là nguồn nước sinh hoạt của dân bản địa và cũng là nguồn nước ngầm tưới mát cho 120ha đồi chè ở Khe Cốc. Về khí hậu, nơi này có đặc trưng tạo nên một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, tương tự như Sapa và Tam Đảo.
Xóm Khe Cốc hiện có 143 hộ dân với 512 nhân khẩu. Trên cơ sở Làng nghề chè xóm Khe Cốc được công nhận từ năm 2011, Hợp tác xã Chè An toàn Khe Cốc được thành lập vào năm 2018. Từ năm 2020, Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc là một trong những đơn vị tiên phong tại Thái Nguyên triển khai sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Các hộ dân ở đây được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi canh tác chè sang chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật được chế từ thảo mộc. Người dân tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để bón cho chè. Các vùng sản xuất được tạo vùng đệm cách ly đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn. Vùng chè nguyên liệu tại đây đã áp dụng phương pháp tưới bằng van xoay tự động được khoảng 40% diện tích và đang tiếp tục áp dụng phương pháp tưới bằng điều khiển 3G, 4G.
"Nhờ thu nhập từ chè hữu cơ tăng cao, đến nay hầu hết các gia đình trong xóm Khe Cốc, cả người Kinh và người dân tộc thiểu số đều có nhà cửa khang trang đẹp đẽ, 100% số hộ có xe máy, 30% số hộ đã có ô tô".
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc.
Đến nay, Hợp tác xã Chè An Toàn Khe Cốc đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu với diện tích khoảng hơn 40ha từ VietGAP chuyển sang hữu cơ. Trong thời gian tới, Hợp tác xã dự định mở rộng diện tích chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn Việt Nam lên 55 ha.
Nhờ sản xuất theo quy trình hữu cơ, chè Khe Cốc có vị thơm hơn, nước chè xanh hơn và ngọt vị lâu hơn so với trước đó. Tép chè hữu cơ nhỏ hơn chè trồng Vietgap. Đặc biệt là chè an toàn hơn rất nhiều vì gần như không hóa chất. Chè Khe Cốc đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận OCOP hạng 4 sao và 3 sao cho 3 sản phẩm: Đinh Tâm Trà, Trà Tôm nõn, Trà móc câu.
“Từ khi sản xuất chè hữu cơ, sản lượng chè có giảm đôi chút nhưng bù lại chất lượng chè tăng, do đó giá chè cũng tăng gấp đôi. Không chỉ tiêu thụ sản phẩm chè ở thị trường trong nước, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm chè cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại quốc tế Ngọc Châu Foods xuất khẩu sang châu Âu”, ông Tỵ thông tin.
Ông Lê Văn Khánh, một thành viên của Hợp tác xã Chè an toan Khe Cốc, cho hay gia đình có 9.000 m2 đất trồng chè. Toàn bộ diện tích này hiện trồng chè tuân thủ quy trình hữu cơ, không sử dụng phân bón hoá học mà bón hoàn toàn bằng phân chuồng và phân vi sinh, thuốc bảo vệ vật phun phải là thuốc sinh học. Công đoạn thu hoạch chè phải hái thủ công bằng tay, không được sử dụng máy hái chè.
Mùa hè, trung bình 32 ngày thu hái một lứa; mùa đông khoảng 1,5 tháng thu hái một lứa. Chè thu hái được chia thành nhiều loại: chè đinh tuyền (chỉ hái một tôm nõn), chè đinh ôm (một tôm nõn có một lá ôm tôm); chè móc câu (một tôm nõn và 2 lá). Bình quân mỗi lứa với 9.000 m2, gia đình thu hoạch được 250 kg chè khô, được Hợp tác xã thu mua hết với giá 500 nghìn đồng/kg.
Nếu khách du lịch, hay người tiêu dùng liên hệ mua trực tiếp với gia đình, giá bán sẽ gấp đôi so với giá hợp tác xã thu mua: một kg chè đinh tuyền 5 triệu đồng/kg, chè đinh ôm 1,5 triệu đồng/kg, chè móc câu 1 triệu đồng/kg.
“Tính cả năm, thu hoạch 6 lứa chè, doanh thu mỗi lứa đạt bình quân 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại khoảng 50 - 60 triệu đồng. Chi phí đầu tư mất một nửa, vì phân hữu cơ đắt, 1,2 triệu đồng/tạ phân vi sinh”, ông Khánh chia sẻ.
BẢO TỒN CÂY CHÈ VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
Ông Nguyễn Văn Tỵ cho hay xóm Khe Cốc có 30% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Sán Chay), 70% là người Kinh. Từ cách đây gần nửa thế kỷ, những người Phú Xuyên (thuộc Hà Tây cũ) theo chương trình kinh tế mới, đã lên vùng đất Khe Cốc để khai hoang.
“Cảm ơn Chính Phủ trước đây đã đưa người Kinh lên đây để cùng đồng bào dân tộc bản địa phát triển kinh tế. Chúng tôi đến xem các bản làng khác, không có nhiều người Kinh, thì thấy bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế khó khăn. Riêng tại Khe Cốc, không chỉ người Kinh, mà những hộ người dân tộc thiểu số của xóm chúng tôi đều đã phát triển khá giả ngang tầm với người Kinh ở dưới xuôi rồi. Người Kinh và người dân tộc thiểu số cùng nhau phát triển, đó là đặc trưng ở xóm Khe Cốc”, ông Tỵ khẳng định.
Theo ông Tỵ, trong khi nhiều khu vực trồng chè nổi tiếng khác đã du nhập các giống chè ngoại về trồng, thì ở Khe Cốc vẫn trung thành với giống chè trung du bản địa cổ truyền. “Nếu không phục tráng để nâng cấp lên, cây chè trung du có thể sẽ bị thoái hoá, sẽ rất đáng tiếc. Vì vậy, Chúng tôi đã đề nghị với huyện Phú Lương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cần có dự án bảo tồn cây chè trung du. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con về kỹ thuật về trích xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu và xúc tiến thương mại để các sản phẩm chè tại Khe Cốc đến với khách hàng nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Tỵ bày tỏ.
Thời gian gần đây, Hợp tác xã Chè An toàn Khe Cốc đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ những giá trị văn hoá, trong đó có văn hoá trà. Năm 2022, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, phòng thưởng trà, tạo cảnh quan để du khách check-in, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc chè và trải nghiệm văn hoá cùng bà con nơi đây.
Giờ đây, đến Khe Cốc, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như: Lưu trú cộng đồng; tham quan, check in đồi chè; trải nghiệm chăm sóc, thu hái, chế biến chè cùng bà con; đạp xe quanh vùng chè; tham gia một số trò chơi dân gian; các hoạt động giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, múa Tắc Xình, hát Pả Dung…,
Từ khi các dịch vụ du lịch đi vào hoạt động đến nay, Hợp tác xã đã đón rất nhiều các đoàn khách đến tham quan. Thời gian tới đây, Hợp tác xã sẽ đầu tư hoàn thiện một số dịch vụ, kết nối với người dân trong vùng để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương.
Đi cùng đoàn Famtrip, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thêm: Tức Tranh là cái nôi của người Sán Chay với những giá trị di sản văn hoá phi vật thể đã được công nhận, gồm lễ hội cầu mùa, múa hát Tắc Xình và hát xướng cọ của người Sán Chay. Đặc biệt trên địa bàn xã Tức Tranh ở xóm Đồng Tâm có đình Đồng Tâm là nơi tổ chức các nghi lê linh thiêng của người Sán Chay dưới rừng Chò nghìn năm tuổi. Những di sản văn hoá này sẽ thêm những chất liệu chất liệu thu hút du khách đến với Chè Khe Cốc.