Báo cáo "Triển vọng ASEAN - Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên" vừa được HSBC công bố đã đánh giá về khả năng bền bỉ, tiềm tàng của ASEAN, bao gồm cả Việt Nam.
“LÁ CHẮN” TRƯỚC SUY GIẢM THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU
Theo HSBC, mặc dù suy thoái toàn cầu đang là chủ đề của nhiều thảo luận, các nền kinh tế ASEAN vẫn đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ tới thời điểm hiện tại của năm 2022. Một phần quan trọng của câu chuyện chính là lượng FDI đều đặn, phần lớn chảy vào các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu. ASEAN hiện chiếm khoảng 10% thị phần FDI của thế giới, gần như ngang bằng với Trung Quốc.
"ASEAN đã giành được thị phần đáng kể trong một số sản phẩm xuất khẩu nhất định, nhiều khả năng tạo ra “lá chắn” giúp khu vực này trụ vững trước xu hướng suy giảm thương mại toàn cầu", các chuyên gia của HSBC nhận định.
Mặt khác, bất chấp tốc độ suy giảm của công nghệ sắp xảy ra, Singapore, Malaysia và Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi giá trị những năm qua, nhờ liên tục nâng cao năng lực sản xuất. Do đó, nâng cao năng lực sản xuất nhiều khả năng sẽ mang lại chút bền bỉ cho xuất khẩu của ASEAN trước những thách thức thương mại gia tăng.
Đặc biệt, HSBC cho rằng, nhắc đến các nước có FDI vượt trội trong khu vực, Việt Nam cũng là một quốc gia nổi bật. Nhờ các khoản đầu tư có tổng giá trị 18 tỷ USD của Samsung trong 20 năm qua, Việt Nam đã dần chuyển mình trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng.
Xuất khẩu điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã tăng mạnh từ dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 lên mức hơn 30% như hiện nay.
Đồng thời, kể từ năm 2006, Intel đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở lắp ráp/thử nghiệm chip tại Việt Nam, tăng gấp đôi thị phần chip xử lý/điều khiển trên toàn cầu chỉ trong vòng 3 năm. Đầu năm nay, Samsung đã rót thêm 920 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với mục đích mở động sản xuất, bao gồm sản xuất bảng mạch và mô-đun cảm ứng.
6 tháng sau, Samsung được cho là đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm lưới bóng chip, một loại mô-đun chip phức tạp, có kế hoạch đưa vào sản xuất đại trà vào tháng 7/2023.
“Samsung không phải là nhà đầu tư duy nhất. Apple cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển nhà máy sang Việt Nam, sau khi kế hoạch bị gián đoạn một phần bởi đại dịch. Sau khi sản xuất đại trà AirPods vào năm 2020, Apple đang đàm phán với Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn như Apple Watch và MacBook. Cụ thể, Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với một công ty phát triển đô thị của Việt Nam là Kinh Bắc City, để mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh Bắc Giang”, nhóm chuyên gia của HSBC nêu trong báo cáo.
XUẤT KHẨU DỊCH VỤ ĐÓNG GÓP VÀO SỰ BỀN BỈ
Cũng theo HSBC, không phải mọi thứ đều có thể đóng gói và xếp vào container. Không ai có thể xuất khẩu một khung cảnh đẹp, một buổi hoàng hôn hoàn hảo hay bãi cát trắng thơ mộng. Hình ảnh có thể truyền tải phần nào nhưng không thể thay thế cho trải nghiệm nhâm nhi đồ uống mát lạnh bên bờ biển và tận hưởng làn gió trong lành vỗ về trực tiếp. “Đó là lý do tại sao, trước đại dịch, du lịch ở châu Á đã bùng nổ”, HSBC cho biết.
Về kinh tế, du lịch được coi là hoạt động xuất khẩu dịch vụ - một dịch vụ do cư dân địa phương cung cấp cho những người đến từ nơi khác. Và du lịch không phải là loại hình dịch vụ duy nhất được xuất khẩu. Các dịch vụ khác bao gồm thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ viễn thông và máy tính, vận tải (hành khách hoặc vận chuyển hàng hóa), dịch vụ tài chính và nghiên cứu.
Với mức lương cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp và người dân hiếu khách, xuất khẩu dịch vụ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế ASEAN. Trước năm 2020, mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% GDP của thế giới, tỷ trọng của ASEAN trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới đã lên mức khá lớn là 7%. Con số này thậm chí còn vượt mức 8%, nếu tính cả số lượng khách du lịch đến ASEAN so với tổng số khách du lịch trên thế giới.
Tuy nhiên, HSBC cho biết, mọi thứ đã thay đổi khi đại dịch xảy ra. Nhu cầu tiêu dùng đã dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa vì các hộ gia đình buộc phải ở trong nhà trong giai đoạn giãn cách. Tỷ trọng của ASEAN trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu phần lớn vẫn giữ nguyên, nhưng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ và tỷ trọng về số lượng khách du lịch đã giảm đáng kể. Trên thực tế, xuất khẩu dịch vụ ở ASEAN thu hẹp nhiều so với các nước còn lại trên thế giới phần nào giải thích tại sao tổng sản lượng kinh tế ở một số nước ASEAN lại thu hẹp một chút.
“Không may là xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới mở cửa biên giới cho phép đi lại, chúng ta có thể kỳ vọng du lịch ASEAN sẽ phục hồi đúng vào lúc cần nhất. Sự phục hồi này có thể sẽ không trọn vẹn nhưng có thể đem lại chút bền bỉ để giúp ASEAN vượt qua những sóng gió trên phạm vi toàn cầu”, HSBC nhận định.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao xuất khẩu dịch vụ trong ASEAN giảm nhiều, HSBC cho rằng, cần xem xét các hạng mục xuất khẩu dịch vụ khác nhau. Theo HSBC, sự sụt giảm trong tổng xuất khẩu dịch vụ của ASEAN vào năm 2020 và 2021 chủ yếu do ngành du lịch suy giảm mạnh, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dịch vụ trước đại dịch.
Trong khi đó, dịch vụ viễn thông và các dịch vụ kinh doanh khác vẫn mở rộng trong đại dịch, mang lại sự bền bỉ cho các nền kinh tế mạnh về cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh, chẳng hạn như Philippines. Với việc du lịch giảm 80-90%, cho thấy xuất khẩu dịch vụ giảm trong thời kỳ đại dịch chủ yếu là do nguyên nhân duy nhất là sự sụt giảm của du lịch quốc tế.