Trên đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG TĂNG NHẸ
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng tăng 0,40% so với tháng 6 và giảm 0,51 điểm phần trăm so với CPI tháng 6, chủ yếu do giá xăng dầu giảm tác động lên giá nhóm hàng giao thông.
Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình (-0,09%) và nhóm giao thông (-2,83%). Có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông (+1,83%), kế đến là nhóm văn hóa - giải trí - du lịch (+1,74%),…
Cụ thể diễn biến CPI một số nhóm/ngành hàng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,13%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,12% với giá gạo tăng 0,17%; nhóm thực phẩm tăng 1,17%. Nhìn chung, giá các mặt hàng vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ chậm lại; riêng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao hơn mức tăng tháng trước, ở mức 1,25%.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,65%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,28% chủ yếu tập trung giá dịch vụ sữa chữa nhà tăng 1,69%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 1,08%. Riêng giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 1,44%.
Đặc biệt với nhóm giao thông giảm 2,83%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 7,31% sau ba lần điều chỉnh giảm giá xăng trong tháng 7 (kỳ 01/7, kỳ 11/7 và kỳ 21/7).
Nếu so với cùng kỳ 2021 thì CPI tháng 7/2022 tăng 2,60%; trong đó chỉ có nhóm giáo dục giảm 2,8% (kỳ nghỉ hè). Và trong 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 15,94% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.
Tính lũy kế bình quân 7 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,12% so với cùng kỳ. So với tháng 12/2021 thì CPI tháng 7 năm nay tăng 3,67%.
ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Nằm trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022, chính quyền TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng; đồng thời lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo dự án triển khai đúng thời gian đồng thời tăng cường cải tiến hệ thống quản lý đầu tư công.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, Thành phố ước thực hiện tháng 7/2022 đạt 3.045,2 tỷ đồng, tăng 12,3% so với tháng 6 và tăng 117,9% so cùng kỳ 2021.
Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do Thành phố quản lý ước thực hiện 13.941,4 tỷ đồng, đạt 43,6% so với kế hoạch và tăng 9,8% so cùng kỳ.
Theo nhận định của Cục Thống kê TP.HCM, do giá nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng đột biến, giá xăng dầu tăng nhiều lần, các vướng mắc khi thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA, công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tái khởi động thi công các dự án trong 7 tháng đầu năm 2022.
Một số dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố, như dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, đến nay đạt khối lượng toàn tuyến 90%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 đầu năm 2024, chạy thử đầu năm 2024, sau đo khai thác thương mại. Dự án Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương hiện vẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng do ảnh hưởng thiếu nguồn vốn từ vốn vay ODA chưa được gia hạn. Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, trong tháng 7/2022, Thành phố đã thành lập hội đồng dự án gồm các chuyên gia về kỹ thuật giao thông, kinh tế giao thông, pháp lý... giúp ban chỉ huy thực hiện dự án, bảo đảm khởi công sớm vào tháng 6/2023…
THU NGÂN SÁCH TĂNG VÀ ĐẠT 72,3% DỰ TOÁN
Theo Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 tăng 20% so cùng kỳ; trong đó các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng gấp 2,2 lần; dầu thô tăng 96,1%; thuế sản phẩm tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 282.965 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so cùng kỳ.
Bao gồm: Thu nội địa ước thực hiện 184.682 tỷ đồng, đạt 71,1% dự toán, chiếm 65,3% tổng thu cân đối và tăng 19,2% so cùng kỳ; thu dầu thô ước thực hiện 16.273 tỷ đồng, vượt 55,0% dự toán năm và chiếm 5,8% tổng thu cân đối, tăng 96,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 82.000 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán, chiếm 29,0% tổng thu cân đối và tăng 13,0%...
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 33.080 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán và giảm 4,2% so cùng kỳ. Trong đó tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 31.786 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Cụ thể: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 6.977 tỷ đồng, chiếm 16,0% dự toán và giảm 32,3%; chi thường xuyên ước thực hiện 24.679 tỷ đồng, đạt 50,7% dự toán và tăng 11,7%,…
Về thị trường tiền tệ và huy động vốn, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, đến nay thị trường tiền tệ trên địa bàn TP.HCM được duy trì ổn định, trong đó lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt. Tính đến 01/7/2022, tổng vốn huy động tăng 8,0% so cùng kỳ và dư nợ tín dụng tăng 16,5%.
Theo đó, tổng vốn huy động tính đến ngày 01/7/2022 đạt 3.251,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng tiền Việt Nam đạt 2.933,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 317,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng vốn huy động.
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022, một trong sáu nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt tại các dự án, công trình trọng điểm.