Ngày 15/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Hợp tác và đầu tư trong giáo dục 2022, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội nghị có đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
Sự kiện này hướng đến tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NĐ-CP, thúc đẩy hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạoNguyễn Văn Phúc cho biết, ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập phủ rộng cả nước.
Chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Chất lượng nền giáo dục của Việt Nam được nâng lên 5 bậc, đạt thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021. Việt Nam đã có một số trường đại học trong các bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, Việt Nam cũng đạt kết quả cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA.
“Việt Nam là quốc gia có số lượng lớn dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao. Việt Nam là một quốc gia có nền an ninh, chính trị ổn định và có chính sách visa giữa các nước trong khu vực thông thoáng. Vì vậy, đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục và thực hiện các chương trình giáo dục có chất lượng cao tại Việt Nam không chỉ thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam mà còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế. Do đó, cơ hội và tiềm năng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam là rất lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế cho biết, năm học 2020-2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ở bậc đại học, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ GDĐT cấp phép thực hiện. Đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều chương trình liên kết đào tạo với Việt Nam là Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Úc (37 chương trình), Hàn Quốc (27 chương trình).
Cục Hợp tác quốc tế khuyến nghị, các nhà đầu tư cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các địa phương, xây dựng và thực hiện các dự án thực sự chất lượng.
Các địa phương cần có chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất cho giáo dục; hỗ trợ tối đa hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Các cơ sở giáo dục đại học chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh; chủ động xây dựng các chương trình nghiên cứu hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo viên, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến.