Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Để đạt được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, trong 3 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đó là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI.
Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định của pháp luật.
Nghệ An cũng đã tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp FDI, nhất là hỗ trợ về phòng chống dịch trong thời gian vừa qua và hỗ trợ về kết nối, tuyển dụng lao động. Ngoài ra, tỉnh cũng phát huy vai trò của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư thứ cấp.
Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương này đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Nghệ An sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà chúng tôi gọi là 5 sẵn sàng” – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết.
Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: Nghệ An đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới.
Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận nhà đầu tư.
Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu: Hiện Tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Ngoài ra, Nghệ An cũng tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực: Với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo; hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề.
Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi; xây dựng tinh thần chính quyền phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ: Các dự án đầu tư, FDI đầu tư vào Nghệ An đều được quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.