Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tính đến cuối tháng 8, có khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến (tăng 10% so với 30% cuối năm 2021); nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, số liệu thống kê được ghi nhận từ hệ thống giám sát, đo lường tự động của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến gần cuối tháng 8, ở khối các bộ, ngành thì 3 bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, với các tỷ lệ đạt được lần lượt là 100%, 100% và 97,67%.
Về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến, 3 bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và Tài chính có tỷ lệ xử lý trực tuyến cao nhất, lần lượt đạt 99,99%, 99,58% và 91,41%. Ở nhóm các địa phương, Long An, Hải Dương, Tiền Giang, Hòa Bình và Bắc Giang là các tỉnh có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ cao nhất, có tỷ lệ từ trên 90% đến 96,47%.
Đặc biệt về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến, 5 tỉnh dẫn đầu, có tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến cao nhất là Hòa Bình (87,02%), Quảng Ninh (75,33%), Ninh Bình (59,35%), Hà Nam (56,73%) và Thanh Hóa (56,6%).
Tính trên quy mô cả nước, hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ của các bộ, ngành, địa phương đã đạt 51,49%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 39,82%, tăng gần 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã nêu rõ mục tiêu đến cuối năm nay các bộ, ngành, địa phương cần phải nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến lên đạt 80% và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 50%.
Tính đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đều đã có cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được các bộ, ngành, địa phương cung cấp dưới hình thức trực tuyến mức 4 - mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cung cấp các dịch vụ số, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Tuy nhiên, hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức cao vẫn đang là vấn đề được các bộ, tỉnh tập trung cải thiện.
Cụ thể, cơ quan Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số mong muốn cải thiện hai chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trong phục vụ người dân, doanh nghiệp là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến.
TP.HCM ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, CẢI THIỆN DTI
Năm 2022, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải thiện Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Các nhiệm vụ trọng tâm như Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tăng cường công tác truyền thông chương trình truyền thông IT TODAY năm 2022 để tuyên truyền kết quả triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, đẩy mạnh chỉ đạo tuyên truyền trên các báo, đài về các kết quả, các dịch vụ tiện ích do quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số mang lại.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành Bộ chỉ tiêu chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức; Triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử Thành phố trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của Thành phố thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Văn phòng Chính phủ và hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an.
Đồng thời, vận hành Cổng thông tin chuyển đổi số của thành phố đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số; các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của thành phố.
Tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn TPHCM (Cổng thông tin 1022). Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND Thành phố ban hành chiến lược dữ liệu thành phố. Năm 2022, ưu tiên tổ chức triển khai dữ liệu dùng chung khối đô thị (đất đai, xây dựng, giao thông, quy hoạch), an sinh, y tế và giáo dục để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thành phố tiếp tục mở rộng việc ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân, qua đó sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân TP.HCM…