Chiều ngày 26/12, Sở Công Thương Thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Liên danh giữa Đại học Quốc gia Yokohama và Công ty TNHH Osumi (Nhật Bản) tổ chức tổng kết Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” với sự tham dự của đại diện chính quyền thành phố, các sở ban ngành, đại diện Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Dự án được triển khai từ năm 2020 đến 2024 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu chính của dự án là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại thành phố thông qua việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, chia sẻ: Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nội dung được Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và đã được cụ thể hoá thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành từ năm 2010.
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bên cạnh nguồn lực của Thành phố Đà Nẵng thì nguồn hỗ trợ của tổ chức trong nước và quốc tế là rất quan trọng, trong đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là đối tác đáng tin cậy. Có thể kể đến như Dự án Tiết kiệm năng lượng bằng phương pháp đo lường đơn giản do JICA tài trợ cho thành phố Đà Nẵng triển khai từ năm 2015 đến năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” do JICA tài trợ lần này là kết quả tiếp theo của sự hợp tác từ phía Nhật Bản và chính quyền Thành phố Đà Nẵng.
“Kết quả triển khai cho thấy Dự án có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Với các kết quả đạt được trong thời gian qua, Sở Công Thương ghi nhận và đánh giá rất cao nguồn hỗ trợ của JICA và đặc biệt là năng lực của đội ngũ chuyên gia, tư vấn của dự án, đến từ Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Trừ nhấn mạnh.
Kết quả triển khai cho thấy Dự án có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Dự án, từ khảo sát 300 hộ dân và 50 tòa nhà phi dân cư (khách sạn, tòa nhà văn phòng), cho thấy hơn 50% điện năng tiêu thụ cho mục đích làm mát (điều hòa, quạt); Lắp đặt thiết bị đo đạc thực tế 60 hộ dân và 8 tòa nhà phi dân cư (gồm 4 khách sạn và 4 văn phòng).
Qua đó, các chuyên gia Dự án đã hỗ trợ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng như dán phim cách nhiệt cho cửa kính, dán lớp xốp cách nhiệt bên trong cho trần/ tường của phòng ngủ có sử dụng điều hòa)...điện năng tiêu thụ đã giảm từ 6,8% đến 19,1%.
Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành xây dựng mô hình mô phỏng 5 hộ bằng phần mềm TRNSYS để xác minh hiệu quả của các biện pháp cải tạo tiết kiệm năng lượng.
Đối với tòa nhà phi dân cư, Dự án không áp dụng biện pháp cải tạo thực tế, chỉ sử dụng phần mềm TRNSYS xây dựng mô hình mô phỏng cho 4 tòa nhà (2 khách sạn, 2 văn phòng), qua đó, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho công trình.
Hiệu quả giảm điện năng tiêu thụ của một số phương án cách nhiệt lớp vỏ công trình (cách nhiệt bên ngoài bằng tấm xốp): giảm 10%-15%; sử dụng kính 2 lớp hiệu suất cao cho cửa sổ giảm 13%- 20%; đổi từ đèn huỳnh quang sang đèn LED giảm 50%- 67%; sử dụng điều hòa có hiệu suất năng lượng cao: chỉ số COP tăng lên 1 đơn vị, giảm 20% điện năng tiêu thụ…
Kết quả triển khai cho thấy Dự án có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, góp phần tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng và sự cần thiết của tiết kiệm năng lượng thông qua giáo dục môi trường.