May 19, 2022 | 11:05 GMT+7

Vietnam Blockchain Association launched

At a launch ceremony for the Vietnam Blockchain Association on May 17, six goals and six action programs were set out to promote the development of blockchain in Vietnam, most notably by improving the legal framework and promoting international cooperation.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Tại lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam vào ngày 17/5 vừa qua, ông Vũ Chiến Thắng - Thứ Trưởng Bộ nội vụ đánh giá cao những kết quả mà Ban vận động thành lập Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. "Ban vận động đã kiên trì, tâm huyết cho sự ra đời của Hiệp hội; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội ngày 16/5/2022, đã bầu 27 ủy viên Ban Chấp hành, 9 ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, đặc biệt GS.TS. Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội đã được Hiệp hội tín nhiệm, thống nhất bầu làm Chủ tịch Hiệp hội", ông Thắng chia sẻ.

Là tổ chức đầu tiên về blockchain tại Việt Nam có pháp nhân chính thức, Hiệp hội được kỳ vọng sẽ đóng vai trò thúc đẩy hành lang pháp lý, thay đổi nhận thức về blockchain tại Việt Nam.

"Mục đích của Hiệp hội là tập hợp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong nghiên cứu, xây dựng các giá trị chuẩn mực thực hành, phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào các lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Thắng chỉ đạo nhiệm vụ dành cho Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội.
Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, ông Nguyễn Phương Tuấn cũng kỳ vọng: “Nhiệm vụ trọng tâm mà Hiệp hội Blockchain Việt Nam cần đạt được trong vai trò chung tay thúc đẩy ứng dụng công nghệ số cùng các cơ quan ban ngành, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật góp phần thúc đẩy, thực hiện tốt tiến trình kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới đây”.

HƯỚNG TỚI 6 MỤC TIÊU…

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Decom Holdings, Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội đã nói về 6 mục tiêu mà Hiệp hội blockchain hướng tới. Đầu tiên là phát triển hội viên, tập trung nguồn lực, sức mạnh từ các công ty, nhân sự người Việt.

Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn hội viên. Đây là mục tiêu quan trọng, bởi hành lang pháp lý ở Việt Nam hiện chưa có. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam phải dựa vào môi trường pháp lý nước ngoài nếu muốn gọi vốn lớn.

Thứ ba, theo ông Trung, là hợp tác với những ngành nghề, hiệp hội khác để thúc đẩy các ứng dụng blockchain tại Việt Nam.

Thứ tư là phổ biến kiến thức về blockchain. Nhiều người vẫn đồng nhất suy nghĩ blockchain chỉ là tiền mã hóa, hoạt động tài chính, hoặc e ngại vì kiến thức quá phức tạp. “Blockchain phải trở thành hoạt động nghiên cứu, phổ cập, không phải là kiến thức quá cao sang, rào cản, phức tạp, mà phải là sản phẩm có ứng dụng. Cần đạt được những tiêu chuẩn, thông lệ hòa nhập với tiêu chuẩn quốc tế”, ông Trung nhận định.

Thứ năm chính là thúc đẩy hành lang pháp lý, nhằm liên tục đóng góp, phản biện về các chính sách. Hiệp hội phối hợp với nhiều cơ quan tư pháp, hành pháp và các hiệp hội liên quan để đạt mục tiêu này.

Cuối cùng là hợp tác quốc tế. “Chúng tôi khẳng định cơ hội hợp tác quốc tế là rất to lớn với lĩnh vực blockchain. Chúng tôi tin nếu môi trường hợp tác quốc tế và chính sách thuận lợi, chúng ta sẽ đón được dòng vốn đầu tư rất lớn”, ông Phan Đức Trung chia sẻ thêm.

… CÙNG 6 CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, đại diện Hiệp hội nhắc đến 6 nhiệm vụ, hay còn gọi là 6 chương trình hành động.

Đầu tiên là tổ chức các hội thảo nhằm tìm ra định hướng cho từng chương trình. Cụ thể là tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về blockchain tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón chào những công ty lớn trên thế giới, cùng với đó là nguồn vốn đầu tư.

Tiếp theo là thay đổi nhận thức của cộng đồng về blockchain chỉ giới hạn trong tài chính, cũng như nhìn nhận sai lầm khi cho rằng blockchain chống lại các sản phẩm tài chính truyền thống, như đã thể hiện trong nhiều ứng dụng như vay P2P, tokenize chứng khoán hay bất động sản.

Thứ ba liên quan đến tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC). Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến CBDC, nhưng Việt Nam vẫn đi chậm về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này.

Thứ tư liên quan đến tài sản số. Việc chưa công nhận tài sản số theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) gây ra hệ lụy về mặt pháp lý, do tài sản số không được ghi nhận.

Thứ năm liên quan đến enterprise chain. Việc thúc đẩy chuỗi khối trong doanh nghiệp, theo đại diện của Hiệp hội, vừa giúp đem lại công nghệ an toàn hơn so với chuỗi khối công khai, vừa có thể ứng dụng blockchain cho nhiều lĩnh vực như metaverse, Web3, thậm chí là thiết kế vaccine.

Thứ sáu là quản trị rủi ro, thông tin trong tài sản số. Những vụ tấn công, lấy trộm hàng chục, hàng trăm triệu USD vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó, cần phối hợp giữa công nghệ an toàn thông tin và chính sách để đem lại sự an toàn cho tài sản số.

Được biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được ưu tiên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate