Thị trường bất động sản đang bước vào những tháng cuối năm, thời điểm được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo thị trường vẫn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vướng mắc.
VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ CHIẾM 70%
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm)…
Tương tự, trong báo cáo gần đây từ Bộ Xây dựng chỉ ra: tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng… dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Mặt khác, việc kiểm soát chặt thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng trở nên hạn chế khi triển khai dự án. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, những nguyên nhân này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản.
Xoay quanh vấn đề này, Giám đốc JLL Lê Thị Huyền Trang cho rằng, vấn đề lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng chắc chắn chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, vì vậy khó khăn đối với thị trường nói chung còn tồn đọng trong ngắn và trung hạn. Những trở ngại về rào cản pháp lý, tiếp cận nguồn vốn và biến động của nền kinh tế tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung mới.
Thẳng thắn nhìn nhận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường bất động sản thời gian tới sẽ vẫn gặp khó. Để thị trường được cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
CÁC CHỈ BÁO SẼ TỐT HƠN VÀO CUỐI QUÝ 4/2022
Cũng dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp lại tin rằng thị trường sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới. Giám đốc Khối kinh doanh Batdongsan.com.vn Lê Đình Hảo nhận định rằng quý 4/2022 khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm nhưng tới cuối quý các chỉ báo sẽ tốt hơn. Nguyên nhân vì trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.
Về thị trường các tháng đầu năm 2023, theo ông Hảo sẽ dần ổn định hơn khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỉ giá được ban hành ổn định. Thực ra thị trường hiện cũng đang được hỗ trợ bởi chính sách 2% cho doanh nghiệp (gói 25.000 tỷ) và người mua nhà (gói 15.000 tỷ), nhưng hiện tại chưa hấp thụ tốt, vì doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định... Tuy nhiên năm 2023, khi ổn định chính sách lãi suất thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, giúp thị trường ổn định hơn.
Còn theo thông tin từ Savills Việt Nam, trong 6 tháng qua, đơn vị này đã đón nhiều lãnh đạo, chuyên gia cấp cao tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Các chuyên gia đều nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở. Việc Việt Nam liên tục được chọn là điểm đến, cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp cho kinh doanh đầu tư dài hạn, với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.
“Đây là thời kỳ mà thị trường phải trải qua khó khăn, làm chậm lại đà tăng trưởng của thị trường. Dẫu vậy, quá trình giảm tốc này tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có thể xem xét, đánh giá hiện trạng phát triển, đưa ra những cải thiện nhằm củng cố và xây dựng thị trường bền vững”, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhận định.