Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Chứng khoán Hana (HSC) – thuộc tập đoàn Tài chính Hana – Hàn Quốc.
Theo thỏa thuận này, BSC phát hành và chào bán riêng lẻ 65.730.042 cổ phần cho HSC, với giá 41.000 đ/cổ phiếu. Điểm đặc biệt ở thương vụ này là cổ đông nước ngoài rót vốn và với giá cao hơn 27% so với thị giá.
Trị giá thương vụ này đạt 2.695 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ BSC lên tới 4.384 tỷ đồng. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Sau khi trở thành cổ đông chiến lược tại BSC, HSC và người có liên quan không được sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại một công ty chứng khoán khác ở Việt Nam.
Theo BSC, HSC đáp ứng các tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược mà BSC đưa ra trước đó. Đó là, định chế tài chính nước ngoài có quy mô tổng tài sản tối thiếu 1 tỷ USD quy đổi theo báo cáo tài chính dược kiểm toán tại thời điểm kết thúc niên độ tài chính trước năm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược và có trên 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính.
Sau khi trở thành cổ đông chiến lược tại BSC, HSC và người có liên quan không được sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại một công ty chứng khoán khác ở Việt Nam.
BSC dự kiến 80% số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ bổ sung nguồn vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty bao gồm cho vay ký quỹ, đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành và các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khác.
20% số tiền còn lại sẽ được bổ sung nguồn vốn cho việc đầu tư nâng cấp nền tảng giao dịch và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty.
Ngoài chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, HSC cho biết sẽ cùng BSC tham gia hoạt động quản lý tài sản và hỗ trợ thiết lập hệ thống hợp tác liên tục trong đầu tư thông qua việc thành lập công ty quản lý quỹ; hỗ trợ quản trị rủi ro.
Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch BSC cho biết, sẽ đưa BSC trở thành công ty chứng khoán top 1 môi giới trái phiếu, top 5 môi giới cổ phiếu vào năm 2025.
Theo đánh giá của giới phân tích, ngành chứng khoán đang ngày càng phân hóa và cạnh tranh. Khả năng sinh lời của các công ty chứng khoán đã cải thiện một cách đáng kinh ngạc khi thị trường bùng nổ. Tại thời điểm đó, sự cạnh tranh của ngành chứng khoán đã được giảm bớt ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có thể trở nên gay gắt hơn nữa trong tương lai.
Chứng khoán là ngành có tính thâm dụng vốn. Vì thế, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán mặc dù rất sôi động từ năm 2021 với ít nhất 21 công ty chứng khoán tìm kiếm cơ hội huy động vốn nhằm củng cố hoạt động cho vay ký quỹ nhưng vẫn chưa hạ nhiệt.
Tại Điều 9, Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, quy định tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt công ty chứng khoán lớn phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu.
Điển hình như SSI vừa bán thành công là 497,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán đã giúp SSI tăng vốn từ 9.947 tỷ đồng lên 14.336 tỷ đồng, là công ty có quy mô vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 trên thị trường.
Sau khi hoàn tất thương vụ chi 352 tỷ đồng mua 97,4% vốn Chứng khoán ASC hồi đầu năm, VPBank tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng góp thêm vốn, qua đó nâng vốn điều lệ ASC từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý II/2022.
Hay mới đây, Công ty chứng khoán SHS cũng phát hành thêm 162,63 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 1.626 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên hơn 9.300 tỷ đồng.
Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy tăng vốn là cần thiết để tạo ra công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định.