Báo cáo chính thức Tổng Điều tra kinh tế 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp tác xã và cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã có sự phát triển đáng kể cả về chất lượng lẫn số lượng cho dù trong giai đoạn vừa qua khu vực này chịu tác động tiêu cực không nhỏ do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.
Tại thời điểm ngày 31/12/2020, cả nước có 684.300 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh (không tính doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động, tạm ngừng và ngừng hoạt động có thời hạn), tăng 179.200 đơn vị so với năm 2016.
So với cùng thời điểm năm 2019, số doanh nghiệp chỉ tăng 2,4%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, số doanh nghiệp tăng 7,9%.
Theo vùng kinh tế, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện rõ vai trò là hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, luôn dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và số lao động”, kết quả tổng điều tra nhận định.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, vùng này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 281,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2016.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.
Tiếp đến, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,0%, tăng 39,7% so với năm 2016, thu hút 1,7 triệu lao động, chiếm 11,4%, tăng 2% so với năm 2016.
Đứng thứ tư là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 7,4%, tăng 36,3% so với năm 2016, thu hút 1,2 triệu lao động, chiếm 8,1%, tăng 8,6% so với năm 2016.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ năm với 28,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 4,1%, tăng 43,4% so với năm 2016, thu hút 936,1 nghìn lao động, chiếm 6,4%, tăng 14,3% so với năm 2016.
Cuối cùng là vùng Tây Nguyên có 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%, tăng 38,0% so với năm 2016, thu hút 226 nghìn lao động, chiếm 1,5%, giảm 6% so với năm 2016.