Ngày 16/9 ông Lê Duy Thành Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã họp cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư... để nghe báo cáo công tác xúc tiến quảng bá du lịch 9 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022; dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt khách tham quan, du lịch tại tỉnh ước đạt gần 6,6 triệu lượt, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82% kế hoạch đề ra trong năm 2022; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.682 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, cùng với xây dựng các chương trình tour chất lượng trong và ngoài nước, Sở Du lịch Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tăng cường quảng bá, giới thiệu về du lịch tỉnh với nhiều điểm đến hấp dẫn.
Về dự thảo kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã đề ra 12 nội dung trọng tâm cần triển khai thực hiện.
Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương nhằm đạt mục tiêu quan trọng là phát triển toàn diện về du lịch, văn hóa, cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Trong quý 4/2022, Vĩnh Phúc dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch với nhiều hoạt động chính như họp báo công bố và thông báo tiếp nhận Vòng chung kết, Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới 2022 tổ chức tại Vĩnh Phúc; Lễ phát động chiến dịch truyền thông Việt Nam và Quốc tế quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư du lịch Tam Đảo...
Theo thông tin của Sở Du lịch Vĩnh Phúc, địa phương này có hệ thống 1.303 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu cùng với sự phong phú của các lễ hội truyền thống.
Đặc biệt, tháng 4/2022 khu du lịch Tam Đảo của Vĩnh Phúc được công nhận là khu du lịch Quốc gia, sánh vai cùng với khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng; Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Núi Sam, tỉnh An Giang; Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh; Mũi Né, tỉnh Bình Thuận và Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Với nhiều lợi thế nên những năm qua ngành du lịch Vĩnh Phúc đã có những những bước phát triển đột phá. Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm, năm 2019 khách tham quan du lịch đạt trên 6.2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt trên 1.920 tỷ đồng.
Trong hai năm 2020 và 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch bệnh Covid-19, nhưng lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc vẫn được duy trì ở mức cao so với các tỉnh, thành phía Bắc. Du lịch đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc.